Theo bác sĩ Trần Thị Ngọc Châu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 3, ung thư là loại bệnh lý có cơ chế và nguyên nhân gây bệnh khá phức tạp. Nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư nằm ngoài tầm kiểm soát của người bệnh, ví dụ yếu tố liên quan đến tiền sử gia đình, bệnh lý bẩm sinh và đột biến gene.
Ngoài ra, 7 nguyên tắc sau trong cuộc sống có thể giúp phòng ngừa một số loại ung thư.
Bỏ hút thuốc lá
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ của nhiều loại ung thư như: phổi, vòm họng, miệng, thanh quản, thực quản, dạ dày, bàng quang, tụy, đại tràng, trực tràng, cổ tử cung…
Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 độc chất hóa học (trong đó hơn 70 chất gây ra ung thư), gây hại cho cơ thể người hút và cả người hút thuốc thụ động, đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ em, người già và phụ nữ.
Bảo vệ cơ thể trước tia UV
Các tia UVA và UVB đều gây hại cho các tế bào da. Bỏng nắng và phơi nắng nhiều năm có thể dẫn đến ung thư da. Để bảo vệ cơ thể khỏi các tia UV, bạn cần ở trong bóng râm; che chắn bằng quần áo bảo hộ, mũ và kính râm khi phải ra nắng; bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài từ 15 đến 30 phút.
Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30 hoặc cao hơn, thoa lại sau mỗi 2 giờ nếu đi bơi, đổ mồ hôi hoặc ở ngoài nắng trong thời gian dài.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Thừa cân và béo phì sẽ tạo ra những thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Những thay đổi này có thể kích hoạt sự phát triển của tế bào ung thư.
Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ đối với các loại ung thư như: ung thư vú (sau khi mãn kinh), đại trực tràng, nội mạc tử cung, tụy, thực quản, tuyến giáp, gan, thận, túi mật…
Tập thể dục
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người tập thể dục dường như có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư thấp hơn. Duy trì hoạt động thể lực phù hợp có thể giúp chống lại ung thư như: đại trực tràng, vú, phổi và nội mạc tử cung.
Ăn uống khoa học
Cụ thể, nên ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật như trái cây, các loại đậu và rau xanh. Uống nước và đồ uống ít đường. Chọn nguồn đạm từ cá và thịt trắng, hạn chế thịt đỏ. Ưu tiên chế biến thịt bằng cách luộc, hấp hơn là chiên, nướng; ưu tiên sử dụng các loại ngũ cốc nguyên hạt.
Tránh thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, thức ăn nhanh, các loại thịt đã qua chế biến như thịt xông khói, thịt nguội. Hạn chế các loại rau củ quả muối chua, thực phẩm béo ngọt có hàm lượng calo cao.
Bác sĩ Châu nhấn mạnh, cần lựa chọn nguồn thực phẩm sạch và an toàn.
Hạn chế rượu bia
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi sử dụng rượu bia, 95% chất cồn được chuyển hóa qua gan trở thành các hợp chất mới. Dưới tác dụng của enzyme alcohol dehydrogenase, rượu được oxy hóa thành acetaldehyde, một chất làm sinh sôi các tế bào ung thư bằng cách tấn công DNA và gây ra đột biến gene.
Càng uống nhiều rượu, hàm lượng acetaldehyde trong nước bọt sẽ càng tăng, làm tổn thương DNA ở các tế bào niêm mạc miệng, vòm họng, thực quản và đường hô hấp. Uống quá nhiều rượu có thể liên quan đến các bệnh ung thư: miệng, thực quản, vú, đại trực tràng, gan…
Khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ sau 6 tháng - 1 năm để phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ngờ ung thư. Các kỹ thuật tầm soát có thể giúp phát hiện sớm ung thư và cải thiện cơ hội hồi phục của người bệnh.