Uber, dịch vụ đi nhờ xe qua smartphone nổi tiếng khắp thế giới, tăng trưởng thần tốc và mô hình kinh doanh mới của nó đã khiến ngành dịch vụ taxi lao đao. Tuy nhiên, đi kèm với nổi tiếng là tai tiếng: từ khi thành lập đến nay, Uber gây ra không ít scandal mà mới đây nhất là vụ Phó Chủ tịch Kinh doanh của Uber, Emil Michael, đe dọa trả thù phóng viên viết bài tiêu cực về dịch vụ.

Ông muốn chi 1 triệu USD để thuê “4 nhà nghiên cứu cao cấp và 4 nhà báo” để giúp Uber chống lại báo chí bằng cách đào sâu vào đời tư, gia đình của họ và cho họ “gậy ông đập lưng ông”. Sau đó, ông này đã viết thư xin lỗi và khẳng định phát ngôn không phản ánh quan điểm thực sự của mình.

Dưới đây là một số tranh cãi khác xoay quanh Uber trong các năm qua. Tuy nhiên, dường như không sự cố nào ảnh hưởng nghiêm trọng đến dịch vụ. Theo Business Insider, Uber có thể chạm mốc doanh thu thường niên 10 tỷ USD vào cuối năm 2015.

“Chơi bẩn” đối thủ Lyft

Nhân viên Uber bị tố đóng vai khách hàng đặt xe của Lyft rồi hủy chuyến, làm giảm sự tín nhiệm của tài xế, tốn thời gian và xăng xe của Lyft, làm khách cần đi xe thực chuyển sang Uber. Trả lời CNNMoney tháng 8/2014, Lyft cho biết 177 nhân viên Uber đã đặt và hủy hơn 5.000 chuyến.

Uber chính thức bác bỏ cáo buộc kể trên, song một nhân viên hợp đồng của hãng xác nhận với trang The Verge rằng, công ty khuyến khích hành vi gian dối này.

Chèo kéo lái xe Lyft

Nhân viên Uber thường đặt xe Lyft, trò chuyện với tài xế và cố chèo kéo họ chuyển sang Uber. Một nguồn tin của The Verge tiết lộ nếu thuyết phục được lái xe Lyft gia nhập Uber, người môi giới có thể nhận được 750 USD tiền hoa hồng.

Phá vỡ dịch vụ taxi truyền thống

Ngành dịch vụ taxi truyền thống không hề vui vẻ trước những thách thức mà Uber mang lại. Một số hãng taxi như New York City tranh luận Uber nên là đối tượng chịu các quy tắc tương tự taxi thông thường. Uber cũng đối mặt với nhiều thách thức pháp lý, phải vận động hành lang tại nhiều thành phố đang hoạt động.

Một tài xế Uber bắt cóc phụ nữ

Hồi tháng 6/2014, một tài xế Uber đã bị cảnh sát Los Angeles (Mỹ) bắt giữ vì nghi ngờ bắt cóc một phụ nữ say rượu và đưa đến nhà nghỉ với ý định cưỡng bức cô. Tờ LA Times đưa tin, nhân viên phục vụ quán bar đã đề nghị lái xe đưa khách hàng về nhà, song lại chở thẳng về khách sạn và nằm ngủ bên cạnh.

Tài xế khác cũng tương tự

Một phụ nữ khác cũng được cho là bị tài xế Uber bắt cóc vào tháng 10/2014, phớt lờ mọi câu hỏi và chỉ đường của hành khác, đưa cô đến khu đỗ xe tối tăm vào nửa đêm rồi khóa cửa, nhốt cô ở trong. Theo Valleywag, gã lái xe chỉ đưa cô về nhà khi nạn nhân hét lên và gây náo loạn.

Tài xế thứ ba bắt cóc một CEO

Ryan Simonetti, Tổng Giám đốc một công ty tại New York (Mỹ) cho biết, anh đã lên chuyến xe bất thường của Uber vào tháng 7/2014. Tài xế này vượt đèn đỏ và trốn chạy thanh tra. Theo Simonetti, xe chạy quá tốc độ, nhiều lần suýt đâm phải xe hơi khác. Anh đã phải cố ép chân của lái xe đạp phanh và cuối cùng may mắn thoát được khỏi “chuyến xe bão táp”.

Một tài xế khác hành hung hành khách bằng búa

Tháng 9/2014, một hành khách tại San Francisco hỏi tài xế về tuyến đường đang đi khi cảm thấy có gì đó bất thường. Tuy nhiên, lái xe Patrick Karajah rời khỏi  xe và lấy một cái búa, đánh vào đầu hành khách, làm gẫy xương mặt và tổn thương đầu. Karajah sau đó bị bắt với tội danh tấn công có vũ khí và gây thương tích nghiêm trọng. Roberto Chicas, vị hành khách xui xẻo, phải trải qua phẫu thuật chỉnh hình và không thể làm việc trở lại.

Một trong các khiếu nại chính chống lại Uber là công ty không xem xét chặt chẽ lý lịch của lái xe như các công ty taxi khác. Uber có kiểm tra hồ sơ của tài xế song thông thường, tài xế taxi sẽ chịu quy định nghiêm ngặt hơn.