Với nhiều người, những ngày Tết dễ dẫn đến stress chứ không phải chỉ có nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái.

Vì nhiều lý do (chuẩn bị đồ cho ngày Tết, biếu quà bên nội bên ngoại, về quê, công việc dồn lại...) mà nhiều người gặp áp lực không nhỏ trong những ngày Tết. Nếu không biết cân đối, giải tỏa, những áp lực này tích tụ lại nhiều hơn, dẫn đến stress, trầm cảm và không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân họ mà còn khiến những người thân, bạn bè cảm thấy stress theo.

Để đẩy lùi stress trong những ngày Tết và sắp xếp ổn thoải công việc một cách thuận lợi, thoải mái nhất, bạn nên giữ cho mình một tâm trí luôn lạc quan, tỉnh táo cũng như vui vẻ. Cách đơn giản nhất để làm điều này là chọn được các loại thực phẩm có tác dụng làm thoải mái tinh thần để bạn tiêu thụ hàng ngày.

Dưới đây là 7 thực phẩm bạn có thể tiêu thụ trong những ngày Tết, vừa bổ dưỡng vừa giúp bạn lạc quan, vừa tránh stress.

Nước cam

{keywords}

Theo chuyên gia dinh dưỡng Erin Palinski-Wade, tác giả của cuốn "Belly Fat Diet For Dummies" thì để lấy lại tâm trạng bình tĩnh, thư giãn thì nên uống một ly nước cam chứa nhiều vitamin C.

Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng, loại thực phẩm giàu vitamin C này có thể giúp làm giảm việc sản xuất cortisol - một loại hormone gây stress, nhờ đó giảm bớt tác động của nó lên cơ thể của bạn khi bị căng thẳng. Một nghiên cứu của Đức thậm chí còn tìm thấy rằng bổ sung đủ vitamin C hàng ngày giúp con người cảm thấy bình tĩnh hơn rất nhiều.

Cháo bột yến mạch

"Các carbohydrate phức tạp trong bột yến mạch giúp kích thích giải phóng serotonin - hormone làm giảm bớt căng thẳng trong não của bạn, tạo cho bạn cảm giác thoải mái hơn", Keri Glassman, chuyên gia dinh dưỡng, người sáng lập Nutritious Life, cho biết. Thêm vào đó, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng bột yến mạch có thể làm giảm nguy cơ huyết áp cao, tiểu đường loại 2 và tăng cân.

Cá hồi

Chuyên gia dinh dưỡng Palinski-Wade gợi ý: thưởng thức cá hồi nướng, luộc hay hấp đều có tác dụng giữ tâm trạng của bạn tốt hơn. "Cá này là một nguồn tuyệt vời của axit béo omega-3. Loại axit béo này không chỉ làm giảm viêm mà còn có thể ngăn chặn hormone stress như cortisol. Nếu lượng cortisol đang ở đỉnh cao, tiêu thụ cá hồi sẽ giúp nó giảm xuống", cô nói thêm.

Một nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học Pháp đã kết luận rằng dầu cá cũng có tác dụng đáng kể trong việc giảm kích thích tố căng thẳng gây ra bởi hệ thống thần kinh trung ương.

Măng tây

{keywords}

"Măng tây có hàm lượng folate cao. Đây là một loại khoáng chất đã được tìm thấy để nâng cao tâm trạng, làm giảm sự căng thẳng một cách tuyệt vời", Glassman nói. Không những thế, thực phẩm này còn có hàm lượng calo, natri thấp nên cũng có lợi cho những người bị bệnh tiểu đường.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí British Journal of Nutrition, măng tây có thể giữ mức đường trong máu ở mức ổn định và tăng cường sản xuất insulin ở những người bị bệnh tiểu đường type 2.

Hàu

Loại hải sản này được biết đến nhiều nhờ tác dụng nổi tiếng của nó trong việc tăng cường "sức khỏe phòng the". Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng Palinski-Wade: "Nhờ vào hàm lượng kẽm cao - một khoáng chất đã được chứng minh là làm giảm sự tiết cortisol trong cơ thể của bạn - mà hàu cũng có thể được coi là một thực phẩm có tác dụng giảm căng thẳng".

Hạt dẻ cười

{keywords}

"Hạt dẻ cười (quả hồ trăn) là một nguồn giàu magiê, giúp cân bằng lượng cortisol trong cơ thể", Palinski-Wade nói. Và nếu bạn không muốn tăng cân thì loại hạt này cũng có tác dụng giúp bạn giữ ổn định trọng lượng . Mỗi hạt dẻ cười chỉ chứa khoảng 3 calo, bằng một nửa so với các loại hạt khác, do đó, nó là sự lựa chọn tuyệt vời cho những ai đang không muốn bị tăng cân.

Sôcôla đen

"Các polyphenol và flavonol trong trong sôcôla đen có tác dụng giúp hạ huyết áp, giữ bình tĩnh", Glassman nói. Một nhóm các nhà nghiên cứu người Đức cũng đã tiến hành nghiên cứu với 30 tình nguyện viên. Sau hai tuần ăn sôcôla đen hàng ngày, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nồng độ cortisol ở những người ăn sôcôla giảm xuống và cải thiện được sự mất cân bằng liên quan đến stress.

(Theo Trí Thức Trẻ)