Ảnh minh họa: Internet |
Khi Facebook giới thiệu dự án tiền ảo Libra ngày 18/6, mạng xã hội lớn nhất thế giới ngay lập tức thu hút sự chú ý. Người đứng đầu Libra tại Facebook là David Marcus. Một số công ty tài chính tên tuổi cũng tham gia hỗ trợ quản lý đồng tiền ảo mới. Tham vọng biến Libra thành đồng tiền quốc tế của Facebook dường như không thể chặn đứng.
Dù vậy, mọi chuyện không suôn sẻ. PayPal là đối tác đầu tiên rút khỏi Hiệp hội Libra hôm 4/10. Đến 11/10, eBay, Visa, Mastercard, Stripe và Mercado Pago đồng loạt rời bỏ Libra. Điều này đồng nghĩa mọi hãng thanh toán lớn của Mỹ đều không còn là thành viên hiệp hội. Nó chính là hồi chuông báo động cho dự án tiền ảo Facebook và là dấu hiệu cho thấy những nhà sáng lập Libra đang “cố quá”.
Theo Bloomberg, Hiệp hội Libra đã mất 7/28 thành viên sau khi Bookings cũng quyết định “tháo chạy”. Tuy vậy, ngày 14/10, những người còn lại vẫn gặp nhau tại Geneva lần đầu để thảo luận về vai trò của các bên, đồng thời cố gắng giải đáp các câu hỏi đặt ra trong “sách trắng” Libra của Marcus. Cuối cùng, mỗi thành viên sẽ ký tên vào một thỏa thuận chính thức, thể hiện cam kết gắn bó lâu dài với Libra.
Những kẻ “đào ngũ” có lý do để làm vậy. Ngoài eBay, số còn lại đều là công ty thanh toán, họ phải tuân thủ quy định chặt chẽ đối với lừa đảo, rửa tiền và các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, chính phủ khắp thế giới nhận ra Libra có thể khó đáp ứng các yêu cầu này và các hãng thanh toán không muốn lâm vào thế khó.
Trong lá thư ngày 9/10 gửi đến CEO Visa, Mastercard và Stripe, hai thượng nghị sỹ Brian Schatz và Sherrod Brown nói rằng: “Facebook dường như muốn lợi ích khi tham gia vào hoạt động tài chính mà không bị quản lý như công ty dịch vụ tài chính”. Thông điệp của các chính trị gia rất rõ ràng: nếu Libra trở thành công cụ cho khủng bố và rửa tiền, chính Visa, Mastercard và người khác sẽ bị đổ lỗi.
Đây chính là ác mộng đối với bất kỳ công ty thanh toán nào, họ có thể chứng kiến mảng kinh doanh cốt lõi sụp đổ vì luật pháp. Song với các hãng khác trong Hiệp hội Libra, nó không phải vấn đề quá lớn. Những hãng khác hoạt động trong lĩnh vực từ thiện, đầu tư mạo hiểm, dịch vụ gọi xe (Lyft, Uber). Họ không bị áp lực tương tự từ nhà chức trách nên không phải đánh đổi nhiều.
Rắc rối với các công ty thanh toán còn chỉ ra vấn đề then chốt mà dự án Libra khó giải quyết được. Tiền blockchain hoạt động tốt nhất như hệ thống khép kín song thường nảy sinh sự cố nếu trùng lặp với ngân hàng truyền thống. Những ngày đầu của bitcoin, các tổ chức xử lý giao dịch thường bị truy tố vì không áp dụng quy định chống rửa tiền.
Mãi tới gần đây, nhà chức trách Mỹ mới bắt buộc các nhà cung cấp ví điện tử thực thi KYC (Know Your Customer – trên thị trường mã hóa là xác minh danh tính hay xác thực tên thật). Cổng ra/vào của một hệ sinh thái là các phần nhạy cảm nhất của bất kỳ dự án tiền ảo mới nào, kể cả Libra.
Ban đầu, Libra muốn giao các vấn đề pháp lý cho các công ty thanh toán với hi vọng Visa và Mastercard có thể xử lý những yêu cầu liên quan đến giao dịch đồng USD cho Libra. Dù vậy, khi tất cả đã rút lui, họ không còn lựa chọn nào khác. Trở ngại pháp lý cũng khiến người ở lại nhụt chí. Bất kỳ ai đảm nhận vai trò này đều gánh trọng trách thuyết phục chính phủ toàn cầu chấp nhận Libra vào thời điểm lòng tin vào Facebook không thể thấp hơn. Libra chưa hẳn đã chấm dứt nhưng dự án phải đối mặt với con đường không “dễ ăn” phía trước.