Không thể phủ nhận, thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam có những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn, liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới hiện nay và sắp tới, để tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhanh và bền vững, còn rất nhiều việc cần phải làm, cần phải tiếp tục đẩy mạnh rốt ráo.

Để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các luật, nghị quyết, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là Nghị quyết số 19-NQ/TW, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trong bài viết mới đây có tựa đề "Để tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhanh và bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn mới", đã nêu 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó:

Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về “Cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh” trong toàn ngành và đến các cấp, ngành, địa phương, người dân; thay đổi nhận thức và cách tiếp cận về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu; chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại.

Tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn; thúc đẩy mạnh hơn vai trò chủ thể của nông dân. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân theo hướng nông dân giàu có, văn minh và bảo đảm môi trường sinh thái.

Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phát triển mạnh công nghiệp sản xuất giống, vật tư nông nghiệp và cũng đưa ra một số nhiệm vụ cụ thể cho các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp. Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ. Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hợp lý, dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp. Đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề phù hợp với quy hoạch và điều kiện cụ thể tại địa phương. Bảo tồn, phát triển các ngành, nghề, làng nghề, dịch vụ, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại đa dạng, đồng bộ.

W-nongthonhiendai-1.png
Ảnh minh hoạ

Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực biên giới, biển, đảo, vùng khó khăn,... Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, nhất là các khu vực ven đô thị lớn, thị trấn, thị tứ, từng bước tiệm cận về điều kiện kết cấu hạ tầng, dịch vụ của đô thị; hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, văn hóa, giáo dục, y tế; cung cấp nước sạch theo quy chuẩn. Khẩn trương, quyết liệt xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hoàn thiện, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa. Có cơ chế điều tiết, phân bổ ngân sách bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương có diện tích đất trồng lúa, đất rừng lớn với các địa phương khác; hỗ trợ nâng cao đời sống của người trồng lúa, trồng rừng. Phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô; hoàn thiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp, phát triển trang trại, kinh tế hộ, kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh; tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã.

Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường; đẩy nhanh chuyển đổi số, xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu lớn; tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ công lập, kết hợp đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư, thực hiện khoán, đặt hàng sản phẩm khoa học - công nghệ, tạo đột phá về giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ thành lập vườn ươm công nghệ, trung tâm khởi nghiệp, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp; thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa viện, trường, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân; đẩy mạnh thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần tạo đột phá trong phát triển nhân lực, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, tận dụng hiệu quả cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế; đổi mới toàn diện hình thức tổ chức và nội dung đào tạo nghề, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, nhất là lao động trẻ, đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Ngành nông nghiệp cần chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ. Chú trọng phát triển thị trường nông sản trong nước, chủ động khai thác hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số ít thị trường; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nguồn tài trợ; mở rộng hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, nhất là công nghệ chế biến, bảo quản, công nghệ giống, công nghệ môi trường, sử dụng lại phụ phẩm; tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, phòng, chống dịch bệnh, ô nhiễm môi trường xuyên biên giới.

Hồng Anh