Liên quan đến tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đại diện Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp; các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng.
Theo thống kê, hàng năm, toàn quốc xảy ra khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 4% trong cơ cấu tội phạm hình sự, nhưng loại tội phạm lừa đảo này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Đại diện C02 cho biết, nguyên nhân tội phạm lừa đảo vẫn tồn tại và có xu hướng gia tăng là do công tác tuyên truyền chưa được sâu, rộng dẫn đến việc người dân chưa hiểu biết, cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin về quy hoạch, chế độ, chính sách xã hội, đầu tư sản xuất...
Theo đại diện C02, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng thường sử dụng 8 thủ đoạn sau:
- Giả mạo các trang thông tin điện tử cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng…) đánh cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu cá nhân của người đăng nhập; hoặc thiết lập các trạm BTS viễn thông giả mạo để phát tán tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của các ngân hàng để đánh cắp thông tin, tài khoản người dùng sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
- Thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, quyền chọn nhị phân (BO), giao dịch tiền ảo, dự án bất động sản… hoặc hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép qua mạng để quảng cáo, lôi kéo số lượng lớn người tham gia đầu tư, kinh doanh (với cam kết về các khoản lợi nhuận rất lớn, số tiền đầu tư ít) nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt số tiền của người tham gia.
- Đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…), nhận việc làm tại nhà, không mất thời gian di chuyển, bỏ tiền tạm ứng hoặc thanh toán trước đơn hàng khoảng vài trăm nghìn để đặt hàng, sau đó nhận tiền công kèm theo lãi đơn hàng và tiền thưởng. Tuy nhiên, sau khi thanh toán đơn hàng và đặt hàng, nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền tạm ứng hoặc thanh toán đơn hàng.
- Sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội (gửi các đường link giả mạo thông tin dịch bệnh Covid-19, quảng cáo tuyển dụng, làm việc tại nhà, các trò chơi giải trí trên mạng…). Sau đó, nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; hoặc chiếm đoạt quyền sử dụng SIM điện thoại bằng cách gọi điện tư vấn chuyển đổi hoặc nâng cấp SIM điện thoại sang mạng 4G miễn phí, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mạng xã hội để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
- Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện qua giao thức VoIP để hăm dọa bị hại có liên quan đến các vụ án đang điều tra, yêu cầu bị hại chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tượng chỉ định hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP để xác thực chuyển tiền để kiểm tra, xác minh sau đó chiếm đoạt.
- Thông qua hoạt động thương mại điện tử để rao bán hàng giả, hàng nhái, đặc biệt lợi dụng tình hình dịch Covid-19 đăng tin, chào bán thiết bị y tế, dược phẩm phòng, chống dịch hoặc rao bán vé máy bay chiếm đoạt tiền của người tham gia giao dịch.
- Sử dụng các thông tin trên thẻ căn cước công dân (CCCD) để lừa đảo, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu thập hình ảnh CCCD của người dân. Sau đó, sử dụng thông tin trên CCCD để đăng ký mã số thuế ảo hoặc để vay tiền các tổ chức tín dụng trên mạng xã hội với lãi suất “cắt cổ” hoặc sử dụng thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
- Thủ đoạn cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng để lừa đảo: các đối tượng cố ý chuyển nhầm một khoản tiền vào tài khoản của bị hại, rồi giả danh là người thu hồi nợ, yêu cầu người nhận trả lại số tiền kia như một khoản vay với lãi suất “cắt cổ”.
Hoàng Hiệp, Thu Huyền, Quyết Thắng