Chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; PGS. TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, hội thảo nhằm nhìn nhận, đánh giá khoa học và đầy đủ hơn về sự ra đời, giá trị lớn lao, sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng của tác phẩm Nhật ký trong tù không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Kết quả của hội thảo sẽ là những luận cứ khoa học để Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tư vấn giúp Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu, giáo dục có những chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp thu và phát huy tốt hơn giá trị đặc biệt của Bảo vật quốc gia Nhật ký trong tù.
Với gần 30 bài tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước, hội thảo tập trung làm sáng tỏ các vấn đề: Quá trình chuyển ngữ Ngục trung nhật ký từ Hán ngữ sang Việt ngữ và từ Việt ngữ sang các ngôn ngữ khác; những giá trị tư tưởng, văn hóa, tầm cao trí tuệ, nghị lực phi thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện qua Nhật ký trong tù; giá trị nhân văn cao cả, vẻ đẹp tâm hồn, niềm lạc quan cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh lao tù khổ ải; những giá trị nghệ thuật to lớn của tập thơ; việc dạy và học tác phẩm trong nhà trường; hành trình lan tỏa sâu rộng của Nhật ký trong tù đối với giới nghiên cứu cũng như bạn đọc; phát huy những giá trị của Nhật ký trong tù, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học nhấn mạnh, Nhật ký trong tù là tác phẩm có số phận và giá trị đặc biệt. Một giá trị không chỉ là lớn, là vô giá mà đã trở thành Bảo vật quốc gia. Nhật ký trong tù là bức chân dung tự họa của Bác, tìm hiểu cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta càng hiểu thêm giá trị của tập thơ này.
“Với Hồ Chí Minh, con người thực là bảo đảm bằng vàng cho thơ. Dẫu vậy, thơ chỉ nói được một phần nhỏ về Người. Con người Hồ Chí Minh lớn hơn bất kỳ sự thể hiện nào trong thơ. Nhưng qua thơ để hiểu con người và hiểu rộng ra nhiều điều khác nữa. Và thơ, trong những lay động sâu xa về tình cảm và khát vọng hướng tới cái đẹp, cái cao thượng như trong 'Nhật ký trong tù' là một sản phẩm quý giá không gì thay thế được, càng không gì so sánh được”, GS Phong Lê nhấn mạnh.
Ở góc nhìn khác, GS Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, nguyên Chủ nhiệm Khoa Báo chí - Đại học Tổng hợp Hà Nội khẳng định, thông qua Nhật ký trong tù, người đời thấy được 5 bài học lớn về tư tưởng, đạo lý nhân sinh quan, nghệ thuật: Bài học không gì quý hơn tự do; Bài học gian nan rèn luyện mới thành công; Bài học đưa chất thép vào thơ, nhà thơ là chiến sĩ; Bài học về trí tuệ, bản lĩnh trong phân tích và nắm bắt thời cơ; Bài học về tinh thần lạc quan.
“Lạc quan là yếu tố tinh thần quan trọng giúp cho nhà khoa học tin tưởng ở kết quả cuối cùng. Tuy trong lao tù nhưng người chiến sĩ cách mạng có nhiều phẩm chất tạo nên tinh thần lạc quan, đó là chính nghĩa, tin tưởng ở ngày mai. Tình cảm nhớ thương đất nước, quê hương, bạn hữu luôn là nguồn động viên người chiến sĩ cách mạng”, GS Hà Minh Đức nói.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định hội thảo lần này là dịp để tìm hiểu sâu sắc tầm cao tư tưởng, vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó triển khai hiệu quả Kết luận số 01 ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 15/52016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trong thời gian tới.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục đầu tư nghiên cứu, giới thiệu những giá trị to lớn, đặc sắc về tư tưởng và nghệ thuật của tập thơ để lan tỏa sâu rộng hơn nữa đến đồng bào trong và ngoài nước, cùng bạn bè quốc tế.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp, các ngành quan tâm, lĩnh hội đầy đủ giá trị đặc biệt của tác phẩm nhằm trau dồi, bồi dưỡng tâm hồn, bản lĩnh và đạo đức cách mạng, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; để đất nước “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.