Cameron Shingleton
Giảng viên đại học
Cameron Shingleton là tác giả cuốn sách "Những điều bạn chưa biết về trai Tây" (NXB Trẻ 2017) được viết bằng tiếng Việt. Sinh ở Melbourne, Australia, anh tốt nghiệp tiến sĩ ở Đại học Melbourne. Trong 5 năm sống ở TP.HCM, Cameron đã học tiếng Việt và tìm hiểu sự khác biệt trong văn hóa Đông - Tây.
Australia, nơi tôi sinh ra và lớn lên, không kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ. Nhiều năm trước, khi lần đầu đến Việt Nam để học tiếng Việt, tôi mới có những trải nghiệm đầu đời về ngày 8/3. Lạ lẫm, bối rối nhưng thú vị và có ý nghĩa là những gì tôi cảm nhận được.
Chị chủ nhà người Việt lúc bấy giờ dạy tôi: Nhiệm vụ của đàn ông trong ngày 8/3 là bày tỏ sự tôn trọng với phụ nữ bằng cách tặng hoa hay quà nhỏ. Tôi còn được dạy một bài thơ vui về phụ nữ và sau đó “biểu diễn” lại cho mọi người xem. Nguyên văn bài thơ rất phù hợp với trình độ tiếng Việt bập bõm lúc bấy giờ của tôi.
Hôm nay là ngày 8 tháng 3
Chị em phụ nữ đi ra đi vào
Anh em đàn ông cúi chào
Chị em phụ nữ đi vào đi ra
Tôi bắt đầu hiểu về ngày 8/3 như thế.
Từ trước đến nay, hai ngày đặc biệt liên quan đến phụ nữ mà tôi ăn mừng ở Australia là Ngày của Mẹ và Ngày lễ tình nhân Valentine's. Ngày của Mẹ, ý nghĩa của nó khá hiển nhiên. Còn ngày 14/2 theo tôi chỉ là cơ hội thể hiện sự ga lăng sáo rỗng dành cho người yêu, và đã bị thương mại hoá đến độ tôi gần như không còn màng đến.
Trái lại, thói quen bày tỏ lòng trân trọng đối với tất cả phụ nữ quan trọng trong cuộc đời mình, không phải bằng cử chỉ loè loẹt mà chỉ bằng cách tặng cành hồng như tôi được dạy làm vừa vui lòng người phụ nữ lại vừa có chiều sâu mà tôi chưa bao giờ thấy ở những ngày đặc biệt dành cho phụ nữ ở Australia.
Thế nhưng vài năm trở lại đây, tôi để ý thấy có một số quan điểm cho rằng Ngày Quốc tế Phụ nữ không còn đáng để tổ chức nữa, thậm chí đưa ra lý do để loại bỏ nó, với nguyên do gần giống như quan điểm của tôi về ngày Valentine's.
Thực tế là khẩu hiệu ngày 8/3 với nhiều người là “sales". Các cửa hàng, các chỗ buôn bán trên vỉa hè đầy ắp những đồ phụ kiện mềm mềm hồng hồng. Trong tôi luôn có sự hoài nghi về những thứ bán trong dịp này (trừ hoa) có phải là hàng tồn từ 14/2 không.
Với nhiều người phụ nữ số lượng hoa họ nhận được trong ngày lễ chính là thước đo giá trị bản thân. Và điều này đi ngược hoàn toàn tinh thần cổ động cho giá trị phụ nữ.
Với nhiều người phụ nữ số lượng hoa họ nhận được trong ngày lễ chính là thước đo giá trị bản thân. Và điều này thì tôi công nhận là đi ngược hoàn toàn tinh thần cổ động cho giá trị phụ nữ.
Cũng có một số người nghĩ rằng ngày 8/3 là dịp để đẩy mạnh bình đẳng giới. Quả là sai lầm, nếu không muốn nói là giả dối. Ngày 8/3 chẳng qua là ngày khuyến khích đàn ông cư xử với phụ nữ như là người CÓ ĐẶC QUYỀN - một khuynh hướng mà rõ ràng mâu thuẫn với nữ quyền: yêu cầu được trả lương công bằng hay quyền được pháp luật bảo vệ như đàn ông.
Vấn đề không chỉ ở chỗ tinh thần của ngày 8/3 đang bị thương mại hóa, mà còn ở chỗ những điệu bộ ân cần của đàn ông phần lớn để bù đắp lại những hành vi không công bằng của mình dành cho phụ nữ những ngày khác trong năm. Người ta hay đùa rằng trong năm có 2, 3 ngày dành trọn cho phụ nữ, thì còn lại ba trăm sáu mươi mấy ngày kia thuộc về đàn ông. Từ phương diện nào đó nó có vẻ rất đúng.
Cứ cho rằng ngày 8/3 có xu hướng bị thương mại hoá, hình thức hoá, ẩn ý một số điều mâu thuẫn, vậy thì phải làm gì để cứu vãn tình thế?
Phụ nữ có còn cần ga lăng?
Ngày Quốc tế Phụ nữ bắt nguồn từ cuộc biểu tình năm 1909 ở New York có sự tham gia của hàng ngàn người phụ nữ đòi quyền được bầu cử, được trả lương cao hơn và làm việc ít giờ hơn. Phong trào nhanh chóng lan ra Châu Âu, đến độ trong những năm sau phụ nữ ở nhiều nước như Đức, Đan Mạch, Áo đã tổ chức cuộc biểu hành tương tự, ăn mừng ngày họ bắt đầu gọi chính thức là “Ngày Quốc tế Phụ nữ”.
Như một người bạn Việt Nam đã giải thích cho tôi: Nhiều thập niên trước đây, ngày 8/3 đã giữ ý nghĩa cốt lõi của nó là đàn ông tặng quà nhỏ cho các cô giáo, đồng nghiệp, bạn bè và họ hàng nữ - hành động này mang tính hình thức hay chân thành là tuỳ người.
Ngày Quốc tế Phụ nữ đã ngày càng mất ý nghĩa, nhưng điều đó có nghĩa là chúng ta nên quên nó đi hay quyết tâm không để ý đến nó nữa không? Lý tưởng về bình đẳng giới có thực sự dung hoà với thói quen cư xử với phụ nữ như người đặc quyền trên một số khía cạnh hạn chế?
Sự ga lăng chân thành của đàn ông là điều tốt, cách cư xử lịch sự của đàn ông đối với phụ nữ là điều tích cực, chuyện đàn ông coi tình trạng hạnh phúc, an toàn của các bạn nữ của họ là niềm vinh dự, muốn chăm sóc hay bảo vệ họ. Mặc dù đó là “tiêu chuẩn hai mặt" (có thể dẫn đến hành vi thực sự ân cần chu đáo cũng như bị lợi dụng để ám chỉ phụ nữ không tự lo liệu hay bảo vệ được), nó vẫn là điều nên giữ.
Rõ ràng, sự ga lăng có thể là mặt nạ che giấu tư tưởng trọng nam khinh nữ. Thế nhưng ở mặt khác, một thế giới không có sự ga lăng chân thành của đàn ông thì theo tôi chỉ buồn tẻ và thiếu lãng mạn.
Sự ga lăng có chiều sâu, thái độ thật hoà nhã đối với phụ nữ, hành vi thật tử tế đối với phụ nữ là hoàn toàn được khuyến khích. Còn nếu sự ga lăng hoá ra chỉ có nghĩa là đưa hoa cho cô người yêu vào ngày 14/2 và đợi cô ấy nhẫn nhịn để làm mình vui những ngày thường thì không ổn cho lắm.
Rõ ràng, sự ga lăng có thể là mặt nạ che giấu tư tưởng trọng nam khinh nữ. Thế nhưng ở mặt khác, một thế giới không có sự ga lăng chân thành của đàn ông thì chỉ buồn tẻ và thiếu lãng mạn.
Một anh chàng mở cửa giùm cô bạn gái, mời cô ấy đi trước không nhất thiết là kiểu người xem thường nữ giới hay nghĩ phụ nữ không đủ khả năng để tự mở cửa. Và một thế giới mọi người tuyệt đối ngang hàng, hiếu thắng như nhau, tự lo tất cả cho bản thân như nhau và chen chúc như nhau không mời ai đi trước, rõ ràng thua kém so với một xã hội có một lý tưởng dang dở về bình đẳng giới như xã hội chúng ta đang sống ngày nay.
Ga lăng một ngày, vô duyên 364 ngày thì cũng như không
Vậy chúng ta phải làm như thế nào để tận dụng ngày 8/3, để lôi cuốn sự chú ý của cả đàn ông và phụ nữ, vào những vấn đề xã hội có tầm quan trọng lớn đối với phụ nữ, đồng thời để duy trì, củng cố hành vi lịch sự, tán thưởng, đối với phụ nữ từ phía đàn ông?
Báo chí truyền thông, thậm chí nhà trường, có thể nắm bắt cơ hội ngày 8/3 để mở cuộc tranh luận về những vấn đề cụ thể mà phụ nữ Việt Nam phải đối phó hàng ngày. Danh sách những vấn đề lâu lâu được công nhận mà chưa được đối phó đầy đủ thì khá dài, chẳng hạn như bạo hành gia đình, cách suy nghĩ hẹp hòi về vai trò của phụ nữ, tiêu chí thiển cận về sắc đẹp và cơ thể, tiêu chuẩn mâu thuẫn có liên quan đến tình dục, sự chênh lệch về mức lương và điều kiện làm việc. Rõ ràng những vấn đề này không phải một mình Việt Nam phải đương đầu. Như ở các đất nước khác, một cuộc thảo luận công khai tinh tế là điều kiện tối cần thiết để giải quyết.
Báo chí truyền thông, thậm chí nhà trường, có thể nắm bắt cơ hội ngày 8/3 để mở cuộc tranh luận về những vấn đề cụ thể mà phụ nữ Việt Nam đang phải đối phó. Phụ nữ có thể coi ngày 8/3 là cơ hội tốt để chủ động trong cách giải quyết những rắc rối họ phải đương đầu hàng ngày.
Phụ nữ có thể coi ngày 8/3 là cơ hội tốt để chủ động trong cách giải quyết những rắc rối họ phải đương đầu hàng ngày. Chuyện phụ nữ Việt Nam yêu cầu các ông chồng nhấc mông lên đỡ đần vợ con làm nội trợ rất chính đáng. Thay vì tổ chức buổi học cắm hoa hay tập tành trang điểm vào ngày 8/3 và mời một người đàn ông làm giám khảo thì tốt hơn hãy yêu cầu chính chồng mình đăng ký học một lớp nấu ăn. Ai muốn đối mặt với vấn đề “đàn ông và bếp núc" thì có thể nhận giấy đăng ký thay thế cho bó hoa hay gấu bông.
Hoặc lấy ví dụ nghiêm túc hơn một chút. Phụ nữ chưa hứng thú lập gia đình, có thể chủ động trong việc khẳng định họ có quyền cưới người họ mong muốn vào lúc họ thấy thích hợp, dù cho quyền này có vẻ trái lại với quan điểm của các bậc sinh thành - phụ nữ “ngoan hiền" phải lấy chồng và sinh con sớm.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là cách gửi lời chúc mừng hay tặng quà sao cho thiết thực nhất. Thay vì tặng hộp chocolate loè loẹt, đàn ông có thể chỉ cần đưa quà đơn giản cho các bạn nữ, chúc mừng một cách sáng tạo với biểu hiện chân thành. Điều đó đã là tốt hơn nhiều so với việc tặng bó hoa nặng 5 ký với ý đồ cưa đổ hay gây ấn tượng.
Còn phụ nữ nhận hoa hồng hay quà vào dịp 8/3 có thể nhắc nhở người đàn ông tặng rằng cử chỉ lịch lãm trong một ngày không thể cứu vãn được hành vi vô duyên suốt 364 ngày còn lại trong năm.