Sau 5 năm khởi nghiệp, đến nay anh chị đã có được chuỗi cửa hàng lớn, được nhiều người biết đến.

Anh Phạm Hùng Thắng sinh năm 1985 tại Hải Phòng, ngay từ nhỏ anh đã có đam mê với máy tính và lập trình công nghệ. Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Hàng Hải Việt Nam, Viện đại học Mở Hà Nội cùng một vài khoá đào tạo từ xa về Digital Marketing của nước ngoài anh lần lượt trải qua nhiều công việc như tham gia lập trình các dự án về online marketing cho công ty nước ngoài, giảng viên học viện NIIT, điều hành digital marketing & thương mại điện tử, rồi từng bước trở thành người sáng lập viên và điều hành doanh nghiệp.

{keywords}
Anh Thắng từng gây bất ngờ với giới công nghệ khi bỏ công việc ổn định để về bán cá cùng vợ

Tuy nhiên, năm 2015, chàng trai gốc Hải Phòng đã bất ngờ từ bỏ công việc ổn định, lương cao của mình để về bán cá cùng vợ: “Yêu nghề lắm, yêu nghiệp lắm, và yêu cả kiến thức mình có, được đào tạo chuyên sâu, vẫn duy trì mọi việc tốt nhất và ngày càng tiến triển hơn, nhưng vì yêu vợ và có khát vọng kinh doanh, tôi đã quyết định tạm gác những công việc, những lời mời, những thành công mà nhiều người mơ ước để lập tiếp một thương hiệu mới”, anh Thắng chia sẻ.

Lý giải về quyết định đầy bất ngờ của mình, anh Thắng cho biết: “Với ai đó, việc tôi đột ngột chuyển từ làm dịch vụ, đào tạo và chuyên môn digital marketing sang đầu tư kinh doanh thương mại các sản phẩm tiêu dùng, sức khỏe, làm đẹp, đặc biệt là hải sản, các món ngon cùng vợ khi chưa từng có kinh nghiệm với các mảng này trước đây là một áp lực thì với tôi đây lại là động lực. Bởi tôi luôn quan niệm rằng ở đâu có thách thức, ở đó mới có cơ hội cho những người dám đối mặt và vượt qua”.

Mặc dù chỉ là bán cá, nhưng anh Thắng và vợ đã xác định đây chỉ là công cụ để tiếp cận ngành thực phẩm. Sau đó, anh phải có lộ trình để nhân bản, mở rộng qui mô của nó. Mục tiêu xuyên suốt của anh chị là mở cửa hàng, chi nhánh khắp cả nước để đưa sản phẩm ngon tới người tiêu dùng.

Loạt sản phẩm đầu tiên của anh là hải sản sơ chế sẵn (như cá tươi, mực tươi, cá một nắng, tôm càng xanh, bạch tuộc sữa, mực trứng) và nhiều thực phẩm chế biến sẵn mà khách hàng chỉ việc mua và nấu (như nem hải sản, chả mực Hạ Long, nem cua bể Hải Phòng, ram tôm đất Bình Định, chả ốc).

"Ban đầu tôi xác định sản phẩm chủ lực là cá một nắng vì hồi đó cá một nắng rất mới mẻ và đang còn hot dễ thu hút khách hàng. Danh mục sản phẩm phụ kết hợp bao gồm các loại nem, chả nổi tiếng ở một số vùng miền", Thắng nói.

Khách hàng ở Hà Nội rất chuộng hải sản sạch mà Thắng bán, đặc biệt là cá, tôm và mực theo công nghệ đóng băng tươi tự nhiên trong túi hút chân không. Cùng với đó, từ chỗ chỉ tập trung vào cá một nắng như một ngách sản phẩm chiến lược để tiếp cận khách hàng, công ty từng bước mở rộng danh mục sản phẩm, bán những đặc sản vùng miền và nhập khẩu. Với mỗi tỉnh, công ty sẽ chỉ chọn 2-3 sản phẩm nổi bật nhất.

{keywords}
Đến nay anh Thắng chị Mai đã có được cửa hàng kinh doanh đặc sản vùng miền lớn

Khi lượng khách hàng đủ lớn, anh chủ động tạo xu hướng. Anh chị chọn những sản phẩm theo tiêu chí riêng, rồi quảng bá và bán trên các kênh phân phối của mình như fanpage, trang web.

Chịu lỗ để gây dựng cộng đồng khách hàng là một chiến thuật mà anh chị áp dụng thường xuyên. Nếu không giảm giá, công ty sẽ tặng quà cho người mua. Giá của món quà chính là khoản lỗ khi công ty bán đúng giá thị trường. Vì đã có lãi với những sản phẩm khác, nên anh chị sẵn sàng chịu lỗ với sản phẩm mà mình muốn tạo xu hướng để mở rộng thị trường.

Mặc dù vậy, anh Thắng cũng thừa nhận, công việc kinh doanh của mình không phải lúc nào cũng thuận lợi. Bởi bên cạnh những thành công đã giành được thì bản thân anh cũng đã trải qua những thất bại và đây cũng là bài học với nhiều người đang có đam mê khởi nghiệp.

Anh chia sẻ, giữa năm 2017, nhận thấy cơ hội mở rộng thị trường đã chín muồi, anh quyết đinh phát triển hệ thống bằng hình thức nhượng quyền theo hợp đồng một năm. Chỉ sau vài tháng, anh đã có 11 cơ sở nhượng quyền ở các tỉnh miền Bắc.  

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, những điểm bất cập trong hình thức nhượng quyền lộ diện. Theo đó, những món ngon và đặc sản là những sản phẩm bên nhượng quyền có thể nhập dễ dàng từ ngoài thị trường nên khi số lượng khách tăng, các cửa hàng nhượng quyền nhập hải sản, đặc sản từ các đầu mối khác. Thậm chí họ còn tìm những sản phẩm có giá rẻ hơn, dù chất lượng thấp hơn, để tăng lợi nhuận.

Do không thể kiểm soát hành vi nhập hàng từ các nguồn khác của các đối tác, cuối năm 2018 anh buộc phải từ bỏ mô hình nhượng quyền để chuyển sang hướng đi mới. Cũng vào thời điểm đó, toàn bộ đối tác nhượng quyền của công ty cũng lần lượt "dẹp tiệm" vì chất lượng sản phẩm kém, không ổn định khiến khách hàng mất lòng tin.

Chia sẻ về thất bại này, anh Thắng cho biết: "Công ty đã xây dựng qui chuẩn về lựa chọn và bảo quản thực phẩm trong trong nhiều năm, vậy mà đôi khi sai sót vẫn xuất hiện. Vì ham rẻ lời cao, những cơ sở nhận nhượng quyền lấy sản phẩm một cách tùy tiện, không có qui chuẩn nên đương nhiên họ sẽ đối mặt vô số rắc rối với khách hàng thôi".

Thất bại với mô hình nhượng quyền, anh đang chuyển sang chiến lược mới là tự mở và quản lí các điểm bán. Anh chia sẻ: "Để có thể phát triển chuỗi nhanh chóng, tôi không loại trừ khả năng gọi vốn đầu tư ở thời điểm phù hợp".

Anh Thắng cũng cho biết đến đầu năm 2019, số lượng khách hàng ở riêng thị trường Hà Nội đã tăng lên gần 30.000. Chia sẻ về tệp khách hàng khổng lồ của mình, ông bố sinh năm 1985 cho biết: "Để có lực lượng khách hàng ủng hộ đủ lớn, chúng tôi đã dành tới 2-3 năm để gây dựng cộng đồng và chăm sóc. Vì thế, những người chỉ bám theo xu hướng một cách vội vàng, bỏ qua giai đoạn gây dựng cộng đồng sẽ khó thành công".

(Theo Dân Việt)