Sinh năm 1987 tại Bình Định, Nguyễn Xuân Giang, CEO Diffcat Studio, đơn vị nghiên cứu, phát hành FaceDance Challenge, đã từng có thời gian theo học ngành vật lý - tin học ở Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Tuy nhiên đam mê kinh doanh khiến Giang dừng lại con đường học hành ở năm cuối.
Từ 2009 đến nay, chàng trai 8x trải qua nhiều lĩnh vực như kinh doanh quần áo thời trang, thiết kế website mua bán theo mô hình C2C (customer to customer), phần mềm tối ưu hóa công cụ tìm kiếm Phanmemseo.vn hay Winkjoy -“Instagram” dành cho thị trường Việt Nam.
Với Diffcat Studio, lần đầu tiên, Giang bước chân vào lĩnh vực thiết kế game trên di động. Sau thời gian nghiên cứu kỹ các mô hình game phổ biến, Giang cùng cộng sự cho ra mắt hai game đầu tiên là Tap Tap Tank và Gtron. Dù có đồ họa và lối chơi khá ấn tượng nhưng hai game này đều không để lại nhiều dấu ấn trên thị trường.
“Chúng tôi định hướng lại, tạo ra game phải đáp ứng 3 yếu tố: siêu vui nhộn, kết nối và vận động”, Giang cho biết trên Báo Đầu tư.
Lấy ý tưởng từ Pokemon Go, ứng dụng di động tạo cơn sốt cách đây không lâu vì bắt người chơi phải vận động trong suốt quá trình chơi, sau 5 tháng nghiên cứu, Diffcat Studio trình làng game thứ ba với tên gọi FaceDance Challenge. Theo đó, người chơi sẽ dùng gương mặt của mình để "nhảy" theo điệu nhạc, sao cho phù hợp với những biểu cảm mà game đưa ra.
Điểm thú vị ở đây là FaceDance ứng dụng công nghệ AI, nhận diện khuôn mặt qua camera để từ đó nắm bắt các biểu cảm gương mặt người chơi, lấy đó làm cơ sở chấm điểm cho bài "nhảy. Biểu cảm càng giống, điểm càng cao.
Trên thực tế, FaceDance ra mắt lần đầu vào tháng 6 năm nay tại Việt nam nhưng nhanh chóng phải phải gỡ xuống để khắc phục vì phần lớn người sử dụng iPhone, nhất là các dòng cũ bị lỗi khi chơi. Khi mở FaceDance, rất nhiều tính năng được kích hoạt đồng thời như phát nhạc, camera trước, nhận diện khuôn mặt… nên các máy đời cũ, có cấu hình thấp không đáp ứng được.
Khoảng giữa tháng 7 vừa qua, công ty mới giới thiệu lại. Nhờ tích hợp tính năng cho phép người dùng ghi hình trong suốt quá trình chơi để chia sẻ những khoảnh khắc hài hước với bạn bè, ứng dụng đã tạo nên cơn sốt không chỉ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, mà còn lan ra các quốc gia khác như Thái Lan, Philipines, Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan…. chỉ sau 4-5 ngày.
"Tôi cho rằng đó là sự may mắn vì ở thời điểm đó, chúng tôi chỉ tiêu 3-4 triệu đồng tiền quảng cáo. Ngân sách như vậy là rất ít”, CEO Diffcat Studio chia sẻ với báo chí như vậy.
Anh cũng tiết lộ FaceDance đã nhận được đầu tư từ một công ty Singapore với mức định giá khoảng 3,1 triệu USD.
Ờ thời điểm hiện tại, không ít nhà đầu tư đưa ra đề nghị hợp tác với FaceDance, nhưng nhóm đang cân nhắc, bởi lẽ, điều họ cần không phải là vốn, mà là kinh nghiệm phát triển thị trường. Đội ngũ sáng lập cũng đi tiếp vào quá trình hoàn thiện, tối ưu sản phẩm trước khi tiến hành những bước tiến xa hơn.
Mới đây nhất, Diffcat Studio đã từ chối đề nghị hợp tác của một hãng mỹ phẩm Nhật Bản, mong muốn sử dụng trò chơi trong phim quảng cáo của hãng tại thị trường Indonesia trong vòng ba tháng.
“Dù ý tưởng hay, nhưng chúng tôi chưa tham gia vì không đủ nhân sự. Một số người có vẻ không thích chúng tôi, vì bị từ chối lời đề nghị hợp tác, gặp gỡ. Nhưng, không còn cách nào khác, chúng tôi cần tập trung để phát triển sản phẩm từng giai đoạn, không thể phân tán”, Nguyễn Xuân Giang chia sẻ trên một bài đăng gần đây của Báo Đầu Tư.
Theo GenK