Khi iPhone ra mắt năm 2007, nó đã khởi đầu cho cuộc bùng nổ smartphone, mọi hãng sản xuất ngày đêm làm việc hết công suất để đáp ứng nhu cầu sở hữu điện thoại mới hơn, nhanh hơn, mạnh hơn của khách hàng. Sau 9 năm, dường như cơn sốt này đã đi đến hồi kết.

Dữ liệu mới nhất từ hãng phân tích IDC cho thấy tăng trưởng smartphone toàn cầu chỉ tăng 1,6% trong năm 2016 so với năm 2015 với 1,46 tỷ thiết bị được bán ra. Năm 2015, tỉ lệ là 10,6%. Tại các khu vực phát triển như Mỹ, Canada, Nhật và Tây Âu, IDC dự báo tăng trưởng tiếp tục giảm. Tỉ lệ tăng trưởng khiêm tốn mà IDC mong đợi đến từ phần còn lại của thế giới, tức là “các thị trường mới nổi”.

Theo IDC, người dùng ngày càng thỏa mãn với smartphone hiện tại nên họ mua mới ít hơn, đồng nghĩa với các hãng sản xuất phải cố thuyết phục người dùng nâng cấp sớm hơn, thường xuyên hơn. Đó là lý do vì sao Apple đang tập trung nhiều vào các chương trình trao đổi và nâng cấp iPhone.

IDC cũng nhìn thấy một điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh: nhờ vào các thiết bị thực tế ảo như Samsung Gear VR hay nền tảng Google Daydream, yêu cầu phải có điện thoại mới hoạt động được, nhu cầu điện thoại màn hình lớn có thể tăng lên. Song xét tới không có cuộc cách mạng nào trên diện rộng, dễ thấy giai đoạn smartphone bùng nổ đã chấm dứt, từ đây nhu cầu chỉ duy trì ổn định. Dù vậy, do Apple đang lên kế hoạch cho mẫu iPhone hoàn toàn mới năm 2017 để kỷ niệm 10 năm iPhone ra đời, lịch sử hoàn toàn có thể lặp lại.

Sau cùng, IDC đánh giá sự phổ biến của các hệ điều hành dựa theo số thiết bị bán ra: Android vẫn đứng đầu với 85,3% thị phần năm 2016. Điều thực sự bất ngờ là thị phần Windows Phone của Microsoft giảm tới 75% so với năm 2015, chỉ nắm 0,5% thị phần.