Công việc kỹ sư vốn có thể dư dả để chăm lo cho các con ăn học đầy đủ. Nhưng vợ chồng ông quyết định nói: “Không”.
“Tôi sẽ nói về những điều chúng tôi đã làm, nhưng trước tiên, hãy để tôi nói về kết quả. 12 đứa con của chúng tôi đều học đại học (đã tốt nghiệp hoặc đang là sinh viên), và vợ chồng tôi không trả tiền học phí đại học cho bất kỳ đứa nào.
Vài đứa đã có gia đình, vợ/chồng của chúng đều có bằng đại học và phẩm chất tốt. 18 đứa cháu của chúng tôi cũng đang được học lại những điều tương tự như cha mẹ chúng, về lòng tự trọng, biết ơn và ý thức đền đáp xã hội”, ông Thompson chia sẻ.
Gia đình ông từng sống tại Utah, Florida và California. Hiện tại, vợ chồng ông đang sinh sống tại Colorado. Ông chia sẻ những thông tin này vào thời điểm kỷ niệm 40 năm ngày cưới. Đứa con lớn nhất của ông lúc ấy cũng đã 37 tuổi, nhỏ nhất là 22. Ông cho rằng, chính tình yêu của vợ chồng ông là yếu tố quan trọng làm nên thành công của những đứa con. Một gia đình yên ấm, không cần đến sự thỏa hiệp.
Ảnh gia đình Thompson - Qz cho rằng bức ảnh có thể đã được chỉnh sửa, vì tất cả gia đình họ đã không ở cùng một nơi kể từ năm 1998. |
Dưới đây là danh sách 9 phương pháp mà ông Thompson cho rằng vợ chồng ông đã đúng trong cách chăm sóc và nuôi dạy con.
1. Làm việc nhà
- Từ năm 3 tuổi, những đứa trẻ của chúng tôi đã bắt đầu phải làm việc nhà. Có thể lúc 3 tuổi, chúng quét dọn, lau chùi chưa sạch, nhưng lên 4 tuổi, mọi thứ sẽ khá hơn.
- Những đứa trẻ làm việc vặt trong nhà và được trả tiền công.
- 8 tuổi, những đứa trẻ đã bắt đầu phải giặt quần áo theo ngày được chỉ định.
- Khi bắt đầu biết đọc, chúng phải nấu ăn tối, công thức đã có trong sách.
- Cả con trai và con gái đều phải học cách khâu vá.
2.Thời gian biểu học tập
Đối với gia đình chúng tôi, kiến thức rất quan trọng.
- Thời gian học quy định từ 18 – 20h. Không có ti vi, trò chơi hay bất cứ hoạt động nào khác trong khoảng thời gian 2 tiếng này. Nếu giáo viên không giao bài về nhà thì chúng có thể đọc sách. Kể cả với những đứa trẻ chưa biết đọc, chúng tôi giao một đứa biết chữ đọc cho chúng nghe. Sau 2 tiếng quy định, chúng có thể làm bất cứ điều gì, miễn là trong giờ giới nghiêm.
- Tất cả những đứa trẻ đều phải tham gia lớp học nâng cao, để điểm đầu vào trường học không còn là điều đáng ngại. Là cha mẹ, chúng tôi dành thời gian để đảm bảo con mình học hành tử tế mà lên được lớp. Sau đứa đầu, nhà trường đã hiểu rằng chúng tôi giữ lời hứa, rằng bọn trẻ của chúng tôi có thể xoay xở được với các lớp nâng cao.
- Nếu có đứa trẻ nào về nhà và nói rằng giáo viên ghét nó hoặc không công bằng, chúng tôi đều khuyên nhủ con hãy học cách hòa đồng, thân thiện. Bởi thực tế, sau này khi đi làm, có thể con sẽ gặp phải một người sếp không thích mình. Chúng tôi không cho phép trẻ em đổ lỗi cho giáo viên vì không theo kịp, mà sẽ đặt lại trách nhiệm cho đứa trẻ. Tất nhiên, chúng tôi ở bên cạnh con trong hai giờ học mỗi ngày, để có thể giúp đỡ chúng bất cứ lúc nào.
3. Không ăn quà vặt
- Cả nhà luôn cùng ăn sáng và ăn tối. Bữa sáng bắt đầu lúc 5h15, sau đó những đứa trẻ phải làm xong việc nhà trước khi tới trường. Bữa tối lúc 17h30 chiều.
- Chúng tôi đặt ra chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng. Tuy nhiên, vẫn nhớ khi còn bé thường xuyên bị ép ăn những thức ăn mà mình không thích. Vì vậy, vợ chồng tôi quy định sẽ đưa những món bọn trẻ ghét nhất (thường là rau) rồi mới đến những món khác. Chúng cũng có thể không ăn và rời bàn. Nếu sau đó đứa trẻ kêu đói, chúng tôi sẽ lấy thực phẩm mà trước đó đã không ăn, hâm nóng lại. Có thể lúc đó đứa trẻ vẫn không muốn ăn, nhưng sẽ chẳng có món ăn nào khác cho bữa kế tiếp, cho đến khi đứa trẻ tự thỏa hiệp.
- Gia đình chúng tôi không có các bữa ăn nhẹ. Bữa ăn của chúng tôi luôn có 4 nhóm thực phẩm (thịt, sữa, ngũ cốc, rau củ quả) và sau bữa ăn hầu như luôn có món tráng miệng. Cho đến nay, những đứa trẻ của chúng tôi không bị kén ăn, cũng không bị dị ứng với thực phẩm. Chúng có thể thử tất cả các món ăn mới và chỉ ăn đến no. Không có một đứa trẻ nào thừa cân, chúng lực lưỡng và rất khỏe mạnh.
4. Tính tự lập
- Khi đứa trẻ lên 16 tuổi, chúng tôi mua cho mỗi đứa một chiếc xe hơi. Chúng đều hiểu thế nghĩa là gì. Khi xe tải kéo về một cái xe, đứa con cả kêu lên: “Ba, đó là xe phế thải!”. Tôi bảo: “Đúng, nhưng đó là một chiếc Mustang Fastback 1965 phế thải. Cẩm nang sửa chữa đây. Dụng cụ trong garage. Ba sẽ trả cho mọi thứ nhưng không trả công”. 11 tháng sau, chiếc xe đã được làm lại động cơ và bộ truyền động, nội thất được bọc mới, có hệ giảm xóc và lớp sơn mới. Con gái tôi có một trong những chiếc xe “ăn chơi” nhất trường. Điều đó trở thành niềm tự hào vô bờ bến của con, rằng chính đứa trẻ đã làm lại chiếc xe đó (nói thêm, chưa đứa con nào của tôi bị phạt vì chạy quá tốc độ, mặc dầu không chiếc xe nào trong nhà dưới 450 mã lực).
- Chúng tôi cho phép đứa trẻ phạm sai lầm. Từ 11 tuổi, chúng đã phải phụ giúp rửa và sửa chữa xe cộ của gia đình. Có lần tôi yêu cầu con trai Samuel thay nhớt xe và hỏi có cần giúp đỡ hay chỉ dẫn gì không? “Không bố ạ, con có thể làm được”. Một tiếng sau, Samuel vào hỏi: “Bố có phải mình cần 18 quarts nhớt để thay không?”. Tôi hỏi con định đổ 18 quarts nhớt ấy vào đâu khi mà bình thường chỉ cần 5 quarts, cháu đáp: “Thì con ốc to ngay trên nóc máy đó”. “Ý con là bộ tản nhiệt?”. Nhưng Samuel không bị mắng vì đã đổ nhớt vào bộ tản nhiệt. Đứa trẻ phải xả hết nhớt trong đó ra. Chúng tôi rửa bộ phận tản nhiệt, thay nước mới, rồi Samuel tiếp tục thay nhớt cho xong. Chúng tôi không mắng, không phạt cháu vì đã làm sai. Chúng tôi để con tự rút ra bài học từ những việc làm đó. Trẻ con trong nhà không sợ thử điều gì mới. Chúng được huấn luyện rằng nếu làm sai, chúng cũng không bị phạt. Mặc dù khá tốn kém nhưng chúng tôi muốn nuôi dạy con tốt hơn trong tương lai, thay vì tiết kiệm tiền bạc.
- Khi lên 12 tuổi, mỗi đứa đều có máy tính riêng, nhưng phải tự lắp đặt. Tôi mua bộ xử lý, bộ nhớ, nguồn cung cấp điện, vỏ máy, bàn phím, ổ cứng, bo mạch chủ và chuột. Bọn trẻ tự lắp rồi tải phần mềm.
Ảnh minh họa (huffpost). |
5. Luôn hỗ trợ nhau trong mọi việc
- Chúng tôi yêu cầu những đứa trẻ phải giúp đỡ lẫn nhau. Khi một đứa lớp 5 phải đọc 30 phút mỗi ngày, đứa lớp 1 cũng phải đọc 30 phút, đứa này ngồi cạnh đứa kia cùng đọc. Đám đã rành tích phân của trung học dạy đám đang học đại số hoặc cộng trừ của tiểu học.
- Chúng tôi chỉ định một đứa lớn hơn dạy đứa bé, giúp chúng hoàn thành công việc hàng tuần.
- Bọn trẻ được tham gia vào việc đặt quy định chung cho cả nhà. Ví dụ, chúng muốn đặt ra quy tắc cấm để đồ chơi trong phòng sinh hoạt chung. Đồ chơi phải để trong phòng ngủ hoặc phòng chơi. Chúng còn muốn thêm vào danh sách việc nhà là dọn phòng ngủ mỗi ngày. Chúng tôi cho bọn trẻ được chỉnh sửa hoặc ra quy tắc mới mới mỗi tháng, tất nhiên bố và mẹ có quyền phủ quyết.
- Chúng tôi cố gắng nhất quán mọi thứ ngay từ đầu. Nếu bọn trẻ phải học mỗi tối hai tiếng thì nhất quyết không được tặc lưỡi du di. Giới nghiêm là 10h đêm với những ngày có đi học và nửa đêm với những ngày không đi học. Không có ngoại lệ.
6. Hoạt động ngoại khóa
- Khi bắt đầu đi học, những đứa trẻ phải chơi thể thao. Chúng có thể lựa chọn bất cứ bộ môn nào nếu muốn: bơi, bóng chày, bóng rổ, quần vợt, đấu kiếm…
- Bắt buộc phải tham gia một câu lạc bộ nào đó: hướng đạo sinh, lịch sử, kịch…
- Phải làm gì đó cho cộng đồng. Gia đình chúng tôi thường xuyên làm từ thiện trong cộng đồng mình sinh sống tại nhà thờ. Chúng tôi gom quần áo cũ và đưa sang Mexico phân phát. Bọn trẻ được thấy cuộc sống thiếu thốn của nhiều gia đình, thấy những gì chúng gom góp đã mang lại niềm vui cho người khác như thế nào.
7. Kế hoạch nghỉ phép
- Mỗi mùa hè, gia đình chúng tôi đều có kỳ nghỉ mát kéo dài 2 – 3 tuần. Chúng tôi đủ khả năng thuê hẳn một khách sạn hoặc du thuyền, nhưng đã không chọn điều đó. Chúng tôi thường vác balô đi cắm trại. Chúng tôi dựng trại tại một địa điểm với năm, sáu cái lều, tôi sẽ cho tất cả bọn trẻ từ 6 tuổi trở lên đi một chuyến 3-5 ngày. Vợ tôi sẽ ở với những đứa nhỏ. Tôi và những đứa lớn đã đi qua nhiều nơi như vườn quốc gia Grand Canyon, leo đỉnh núi Whitney, qua Continental Divide (đường phân chia lục địa châu Mỹ), qua vườn quốc gia Yosemite.
- Cứ khoảng 2 – 3 tuần, chúng tôi lại cho những đứa trẻ đi máy bay đến thăm người thân ở châu Âu hoặc khắp nơi trên đất nước Mỹ. Chúng tôi bắt đầu điều này khi chúng còn học mẫu giáo. Sẽ phải yêu cầu riêng với các hãng hàng không để đứa trẻ 5 tuổi có thể đi một mình trên máy bay, và yêu cầu người thân bên kia phải có giấy tờ chứng minh. Chúng tôi sẽ chỉ gửi những đứa trẻ muốn đi. Những đứa trẻ đã được dạy từ khi còn nhỏ rằng, cha mẹ sẽ luôn ở đó vì chúng, nhưng vẫn mong chúng có thể tự mọc cánh và bay.
8. Quan niệm về tiền bạc và vật chất
- Mặc dù chúng tôi có đủ tiền để giúp bọn trẻ mua nhà, trả tiền học, trả tiền cho đám cưới, nhưng chúng tôi vẫn nói “Không”. Chúng tôi chỉ cho chúng thông tin, cách thức thực hiện, sử dụng vốn để làm giàu. Chúng tôi đã giúp những đứa trẻ liên lạc với các công ty, tập đoàn, nhưng phải thực hiện các cuộc phỏng vấn để tìm vị trí xứng đáng trong công việc.
- Những đứa trẻ sẽ được tặng quà trong dịp sinh nhật và Giáng sinh. Chúng tôi đóng giả Santa Claus, nhưng khi lớn lên, những đứa trẻ hỏi, chúng tôi sẽ không nói dối. Đó là một trò chơi ý nghĩa, khi chúng tôi có danh sách những món quà mà đứa trẻ thích.
9. Hiện thực cuộc sống
Chúng tôi yêu tất cả các con, bất kể chúng có làm gì. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không ngăn chặn hay cố gắng tìm cách làm nhẹ đi những lỗi lầm của chúng chỉ vì lo sợ chúng đau khổ.
Chúng tôi, trước đây và cả sau này, không phải là người bạn tốt của con cái. Chúng tôi là cha mẹ của chúng.
Khánh Hòa (Theo qz.com)
Làm thế nào để dạy con quan tâm đến người khác?
Ravi Rao, một bác sĩ nhi khoa cho rằng, cha mẹ nên dạy cho con về cảm xúc nhiều như cách dạy chúng về màu sắc và con số. Thấu hiểu cảm xúc của người khác sẽ giúp những đứa trẻ có cái nhìn đồng cảm hơn.
Phương pháp "6-3-1" của người cha tiến sĩ nuôi hai con đỗ ĐH Mỹ
Cha mẹ nào cũng muốn con cái mình phải thật tài giỏi. Tuy nhiên, trên hành trình giáo dục một đứa trẻ, các bậc phụ huynh cần chú trọng điều gì ở ba giai đoạn tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông?