{keywords}
 

Chuyển đổi số - lợi thế bứt phá sau dịch

Đại diện MB cho biết, kết thúc 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận riêng ngân hàng tính đến hết ngày 30/09/2020 đạt gần 7.400 tỷ, tăng không đáng kể so với cùng kỳ. Các công ty con của MB có sự phục hồi sau Covid-19, đóng góp hơn 1.000 tỷ vào lợi nhuận chung của tập đoàn. Tổng lợi nhuận trước thuế các công ty con tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Đặc biệt, công ty bảo hiểm nhân thọ MB Ageas có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng gần 1,8 lần so với cùng kỳ, đạt gần 280 tỷ lợi nhuận trước thuế.

Dư nợ tín dụng riêng ngân hàng tăng 12,4% so với thời điểm 31/12/2019, trong khi tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,36%. Bên cạnh đó, tỷ lệ quỹ dự phòng tín dụng/nợ xấu của MB tại thời điểm 30/09/2020 ở mức 131%.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo cấp cao MB về chuyên đề Chuyển đổi số cuối tháng 9, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: MB là một trong những ngân hàng có bước chuyển dịch số nổi bật nhất tại Việt Nam.

Xác định Ngân hàng số là hạt nhân cho sự phát triển bền vững, lâu dài với tầm nhìn trở thành “Ngân hàng thuận tiện nhất” vào năm 2021, MB đã ra mắt và cải tiến nhiều sản phẩm số như: App MBBank, Biz MBBank, các sản phẩm cho vay trên kênh số, tạo sự thuận tiện cho khách hàng. Việc đẩy mạnh phát triển hai ứng dụng số này đã góp phần không nhỏ vào việc tăng casa từ khách hàng. Đại diện MB cho biết, tính đến 30/09/2020, casa của MB đã vượt 100.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 10% so với thời điểm cuối quý II năm 2020 và tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo MB, với lợi thế tiên phong chuyển đổi số, tính đến hết tháng 9/2020, tỷ lệ giao dịch qua kênh số tại MB đạt mức 80%, số lượng khách hàng giao dịch qua App MBBank đạt trên 2,2 triệu user. Đáng chú ý, liên tiếp trong vài ngày cuối tháng 6/2020, App MBBank đã vươn lên đứng đầu các ứng dụng miễn phí được download tại App Store Việt Nam. Đây là minh chứng về mức độ khả thi trong việc thực hiện hóa các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2017-2021 của doanh nghiệp.

Không chỉ hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ của Việt Nam và thế giới để tối ưu dịch vụ số, MB còn ưu tiên tạo ra một “văn hóa số” trong môi trường làm việc với nhiều hình thức đa dạng, biến số hóa trở thành điều thân thuộc với mỗi cán bộ nhân viên.

Trụ sở mới, kỳ vọng mới

Sau gần 26 năm phát triển, MB chuyển trụ sở làm việc mới tại tòa nhà MB Grand Tower, 63 Lê Văn Lương, Hà Nội. Trụ sở có tổng diện tích gần 5.000 mét vuông gồm 25 tầng nổi và 4 tầng hầm. Theo đại diện MB, hội sở mới đáp ứng quy mô phát triển đang ngày càng nhanh của MB trong hiện tại và những giai đoạn phát triển tiếp theo.

Được bình chọn là một trong những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam ngành ngân hàng năm 2017, MB tập trung xây dựng môi trường làm việc thuận tiện, an toàn và thân thiện. Không chỉ có văn phòng hạng A, các tiện ích, cây xanh, tòa nhà làm việc của MB còn thiết kế khu chăm sóc sức khỏe MB Fitness Centre dành riêng cho cán bộ nhân viên. MB Fitness Centre tích hợp nhiều tính năng khác nhau với nhiều máy móc hiện đại, đảm bảo mỗi cán bộ nhân viên đều được rèn luyện sức khỏe, tăng cường sự tinh thần gắn kết cao trong nội bộ.

Trải qua 9 tháng với bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến mọi ngành nghề, lĩnh vực, với sự chủ động, linh hoạt và những nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ nhân viên, MB đã thích ứng với tình trạng “bình thường mới” sau đại dịch.

Nói về kinh nghiệm “vượt bão” của MB, ông Lê Hữu Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị khẳng định: “Ngay khi dịch nổ ra, MB đã nhanh chóng xây dựng và áp dụng 3 nhóm giải pháp, bao gồm: Đảm bảo hoạt động liên tục, thực thi trách nhiệm với cộng đồng và thích ứng với sự thay đổi. Nhờ tầm nhìn chiến lược đúng đắn với phương châm củng cố nền tảng, chuyển dịch số, tăng trưởng toàn diện, hiệu quả và bền vững trong chiến lược 2017-2021, MB đã biến đại dịch thành cơ hội kiểm tra sức bền và lấy đà tiếp tục vươn lên”.

Xuân Thạch