Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm TP.HCM vừa có báo cáo về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm 9 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn.

9 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP.HCM đã ban hành 137 văn bản triển khai thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, chỉ đạo thực hiện các hoạt động trọng tâm trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý vi phạm được tăng cường với 15.270 cơ sở được thanh tra, kiểm tra. Trong đó, phát hiện 734 cơ sở vi phạm, xử phạt 396 cơ sở với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng, buộc tiêu hủy 80 tấn sản phẩm.

Ngoài ra, Ban quản lý phối hợp với đoàn kiểm tra của địa phương tham gia đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn, tiến hành kiểm tra 7.213 lượt xe.

Cục Quản lý thị trường tham gia Đoàn Liên ngành phòng chống dịch bệnh gia cầm, gia súc đi kiểm tra 33.100 vụ, phát hiện 40 vụ vi phạm về kiểm dịch và các quy định về thú y trong quá trình vận chuyển.

Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Bình Điền, cơ quan chức năng đã xử phạt 26 trường hợp với số tiền phạt gần 170 triệu đồng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP.HCM, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn thường xuyên được chú trọng, tăng cường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng cũng như đưa ra các thông tin cảnh báo kịp thời đối với các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm.

{keywords}
 Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đột xuất kiểm tra đột xuất tại chợ Bình Điền – chợ đầu mối lớn nhất trên địa bàn. Ảnh: Hồ Văn

Đẩy mạnh giám sát thực phẩm vào cuối năm

Trong 3 tháng cuối năm, thành phố sẽ xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với công tác tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và công tác tiếp nhận hồ sơ đăng ký cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố.

Tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông, huy động tối đa các kênh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

Đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định về cách sử dụng thực phẩm an toàn, các biện pháp phòng chống lây lan dịch bệnh.

Thành phố sẽ đẩy mạnh việc giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và giám sát an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường. Qua đó, có đánh giá nguy cơ về đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng cường năng lực của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm; ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính.

Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã đề ra, giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm theo pháp luật.

Để đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trên thị trường, hoạt động lấy mẫu kiểm nghiệm sẽ được triển khai thường xuyên, từ đó có hướng xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm cũng như có cảnh báo an toàn thực phẩm kịp thời đối với người tiêu dùng.

Cùng với đó, công tác phát triển chuỗi thực phẩm an toàn được chú trọng bằng việc tham mưu cho UBND TP.HCM tiếp tục triển khai các đề án liên quan; tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm chuỗi; thu hồi các giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” hết hiệu lực…

Trong chiến lược dài hạn, Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm TP.HCM xây dựng các đề án, đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thực phẩm an toàn, ký kết với Sở Nông nghiệp tại 15 tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ  trong giai đoạn 2021-2025.

Minh Tú