Chủ yếu chi trả cho sản phẩm nội dung số

Việt Nam có khá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động thanh toán qua mobile (mobile payment). Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc CNTT của Công ty MPay nêu một loạt dẫn chứng như: Việt Nam có 145 triệu thuê bao điện thoại, trong đó khoảng 20 triệu thuê bao 3G; 20% điện thoại ở Việt Nam hiện nay là smartphone, tỷ lệ người dùng smartphone đang tiếp tục tăng khi giá smartphone ngày càng rẻ, giờ chỉ cần 990.000 đồng cũng có thể mua smartphone để tiện thanh toán mobile,...

Cho rằng thanh toán qua mobile tại Việt Nam rất tiềm năng, tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Quang, đại diện mWork  lưu ý rằng, lĩnh vực này vẫn còn nhiều điểm mắc. Muốn thanh toán qua mobile phát triển thì phải được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại điện tử, ứng dụng di động phục vụ đời sống xã hội,... chứ không chỉ riêng mảng nội dung số. Thế nhưng trên thực tế, 90% hoạt động thanh toán di động ở Việt Nam do nhà mạng thực hiện (telco payment), chủ yếu phục vụ việc chi trả cho sản phẩm nội dung số. Cũng đã có một số hệ thống dịch vụ cho phép thanh toán trên cả website, đồng thời có thể mở trình duyệt để thanh toán qua mobile, tuy nhiên, việc mở trình duyệt như vậy khá phức tạp.

mobile payment

Chưa có phương thức thanh toán mobile hoàn hảo

Điểm lại những phương thức thanh toán qua mobile đang được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay thì thấy, phương thức nào cũng có điểm hạn chế. Chẳng hạn, thanh toán bằng thẻ cào của các nhà mạng là phương thức có khả năng tiếp cận khách hàng không có tài khoản ngân hàng, khách hàng ở tận vùng sâu, xa, nhưng chỉ thích hợp với việc thanh toán các khoản nhỏ (mệnh giá thẻ cào cao nhất cũng chỉ là 500.000 đồng), khó mua sắm hàng hóa trực tuyến với giá trị lớn. Phương thức thanh toán bằng tin nhắn tới các đầu số của nhà mạng cũng chỉ thích hợp thanh toán khoản nhỏ (cước phí tin nhắn tối đa 15.000 đồng).

Với phương thức thanh toán qua ví điện tử, điểm hạn chế là khách hàng phải nạp tiền vào ví trước khi sử dụng, đặc biệt, khó có thể rút tiền từ ví ra để chi trả cho các hoạt động chi tiêu khác (giống như khi dùng thẻ ngân hàng). Gần đây, nhược điểm này đang dần được khắc phục khi một số công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử đã hợp tác với ngân hàng kết nối ví điện tử vào trong thẻ ngân hàng, đến khi thanh toán, người dùng có thể tùy chọn tiền trong tài khoản ngân hàng hay tài khoản ví. Dẫu sao, độ phủ của ví điện tử tại Việt Nam vẫn còn khá hẹp.

3 điểm nhấn trong thanh toán mobile tương lai

Dự báo xu hướng thanh toán qua mobile trong thời gian tới, ông Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ 3 điểm nhấn chính. Một là sẽ phát triển loại hình ví đựng thẻ trên mobile, áp dụng công nghệ 1-click được tối ưu hóa cho bàn phím và màn hình nhỏ trên điện thoại, cho phép thanh toán trên mobile đơn giản, không cần nhập quá nhiều thông tin. Sau khi thanh toán lần đầu, thông tin được lưu trong tài khoản ví thẻ, những lần kế tiếp, người dùng chỉ cần chọn thẻ đã được lưu sẵn trong ví thẻ để thanh toán. Trên điện thoại sẽ liệt kê cụ thể các loại thẻ đã được tích hợp trong ví, người dùng chỉ cần click chọn loại thẻ muốn thanh toán và nhập lại mã số bảo mật.

Điểm nhấn thứ hai là sử dụng QRCode trong thanh toán qua mobile để dữ liệu từ QRCode truyền thẳng vào mobile, người thanh toán qua mobile không phải nhập liệu nhiều lần.

Điểm nhấn thứ ba, biến mobile thành thiết bị thanh toán thẻ (gắn đầu đọc thẻ vào mobile để biến thành mPOS). Trước đây, thiết bị chấp nhận thẻ POS được các ngân hàng triển khai tại các điểm thanh toán như nhà hàng, siêu thị,... có kích thước, trọng lượng khá lớn, chi phí cũng cao, loại POS không dây ước tính phải 10 triệu đồng/chiếc. Sắp tới, mPOS sử dụng công nghệ kết nối tầm gần NFC (Near Field Communication) với chi phí chỉ dưới 5 USD/thiết bị sẽ ngày càng phổ biến hơn.

Năm 2013, với khoảng 35 triệu người dùng mobile Internet, tổng dung lượng thị trường thanh toán qua mobile tại Việt Nam đạt hơn 1 tỷ USD.