Bên cạnh đó, theo AHK, khoảng 40% các doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch tăng lực lượng lao động trong 12 tháng tới. Những con số này cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư Đức.

Bất chấp những thách thức liên quan đến lạm phát, sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng đối với chuỗi cung ứng, Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi tăng trưởng kinh tế trong trung hạn.

Điều này sẽ được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, như các hiệp định thương mại tự do, chiến lược Trung Quốc +1, xu hướng toàn cầu trong chuyển dịch và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất sang các trung tâm cạnh tranh ở Đông Nam Á và dòng vốn đầu tư xanh.

dau tu vao viet nam.jpg
Nhiều nhà đầu tư Đức muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam. 

Cho đến thời điểm này, có khoảng 500 công ty Đức đầu tư khoảng 2,9 tỷ USD vào Việt Nam. Hầu hết các dự án tập trung ở khu vực phía Nam (chiếm 60%) và khu vực phía Bắc (22%), chủ yếu tại TP.HCM (280 dự án) và Hà Nội (75 dự án).

Các doanh nghiệp Đức bày tỏ kỳ vọng cao vào triển vọng phát triển kinh doanh và cam kết mạnh mẽ khi đầu tư vào Việt Nam. Tháng 7/2023, Ziehl-Abegg, một công ty chuyên về động cơ điện, thiết bị điều hòa không khí và quạt, công bố kế hoạch đưa vào hoạt động một nhà máy sản xuất các sản phẩm liên quan đến ống gió tại Việt Nam, với số vốn đầu tư khoảng 20 triệu USD. Động thái này đánh dấu một bước quan trọng hướng tới mở rộng sự hiện diện toàn cầu của Ziehl-Abegg và thể hiện cam kết phát triển bền vững thông qua việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách có trách nhiệm.

Ngoài ra, Deutsche Bank tiết lộ kế hoạch đầu tư thêm 100 triệu USD vào chi nhánh tại TP.HCM hồi tháng 5/2023. Hôm nay (9/8), nhà sản xuất dược phẩm STADA Việt Nam thành lập văn phòng mới tại TP.HCM, nhấn mạnh cam kết nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

ính đến ngày 20/7, tổng vốn đăng ký mới, đầu tư thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư Đức tại Việt Nam là gần 197 triệu USD, bao gồm 21 dự án mới, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng. 

Để cải thiện hơn nữa hoạt động đầu tư vào Việt Nam và nâng cao sức hấp dẫn của thị trường này như một điểm đến đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông - vận tải và hậu cần.

Hơn nữa, việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nội, phát triển mạnh mẽ các cụm công nghiệp, đào tạo lực lượng lao động chuyên sâu, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo cung cấp điện ổn định để phát triển bền vững cũng là những giải pháp rất quan trọng để tăng cường sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam.

Thanh Bình và nhóm PV, BTV