Việt Nam hiện có 95% ngân hàng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số và các ngân hàng Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc nắm vững công nghệ 4.0 như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên hệ thống số.

Có thể kể tên một số ngân hàng như VPBank, Techcombank, MB, HDBank… vừa qua đã chuyển đổi số và đưa vào ứng dụng sớm nhất, cho nên thu được kết quả rất khích lệ. Đó là CASA lên đến 40-50%, góp phần đưa lợi nhuận của ngân hàng lên rất lớn. Có những lúc người ta chưa hiểu được rằng tại sao ngân hàng lợi nhuận cao đến thế, nhiều như vậy trong bối cảnh dịch bệnh. Lợi nhuận cao như thế, CASA lên đến 40-50% thì hệ số rất lớn, góp phần nâng tỉ lệ lợi nhuận và người dân cũng được hưởng lợi.

Ông Cấn Văn Lực: Chuyển đổi số ngành ngân hàng còn nhiều khó khăn thách thức.

Được biết, mục tiêu cụ thể của ngành Ngân hàng phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 50% nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số. Đầu tiên là chuyển đổi số về hình thức, nguồn lực, tập trung đầu tư cho phát triển các hạ tầng có tính vận hành, hệ thống thanh toán điện tử… Trong đó, đặc biệt coi trọng ứng dụng công nghệ số trong thiết kế sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách hàng.

Trong kỷ nguyên số thì số hoá dữ liệu rất quan trọng, bởi vậy ngành Ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch không chỉ cung cấp dịch vụ của chính ngân hàng mà còn ngoài ngân hàng, thông qua việc tạo lập hệ sinh thái số để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn cho người dân trên các thiết bị điện tử.

Bạch Hân, Thu Hiền, Hà Sơn