Suốt 4 năm qua, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) dường như vẫn loay hoay, chưa thu hồi được khoảng 2.491 tỷ đồng nợ vay, tiền gửi tại 3 ngân hàng. Dù lãnh đạo ACB tỏ ra tự tin sẽ thu hồi được tiền, song thực tế, ngân hàng đang phải 'trả giá đắt' cho các khoản nợ này.

Qua ba kỳ Đại hội cổ đông gần đây, các cổ đông của ACB vẫn rất lo ngại về khả năng thu hồi một số khoản tiền gửi, nợ vay rất lớn, đơn cử: khoản nợ từ nhóm 6 công ty, tiền gửi quá hạn tại hai ngân hàng 0 đồng là GPBank và VNCB (nay là CB).

“Mớ bòng bong” này có lẽ không dễ gỡ như lời các lãnh đạo ACB báo cáo với cổ đông và đang từng ngày “ăn mòn” lợi nhuận của ngân hàng này.

“Ám ảnh” nợ của Bầu Kiên

Kể từ sau sự cố lao lý của ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), nguyên Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB (tháng 8/2012), đến nay, ACB vẫn đang phải đau đầu tìm cách thu hồi các khoản nợ của nhóm 6 công ty liên quan đến vị đại gia này.

Báo cáo tài chính cho thấy, tại 31/12/2014, một ngân hàng D vẫn đang nợ ACB số tiền là 600 tỷ đồng và lãi dự thu gần 111,7 tỷ đồng. Khoản nợ được đảm bảo bằng trái phiếu do một công ty thuộc nhóm 6 công ty của bầu Kiên phát hành cho ngân hàng D (tổng mệnh giá 600 tỷ đồng).

Trước lo ngại nợ vay có nguy cơ “mất trắng”, lãnh đạo ACB đã trấn an cổ đông rằng “đã xử lý xong nợ”. Theo đó, vào ngày đáo hạn nợ (ngày 9/3/2015), ACB đã nhận chuyển nhượng lại lô trái phiếu này với mệnh giá 600 tỷ đồng kèm khoản lãi phải thu 117,25 tỷ đồng để cấn trừ nợ. Nhờ đó, ACB đã “xoá” nợ cho ngân hàng D trên sổ sách.

{keywords}

Các cổ đông của ACB vẫn rất lo ngại về khả năng thu hồi một số khoản tiền gửi, nợ vay rất lớn

Thực chất đây chỉ là biện pháp kỹ thuật “dọn” nợ trên sổ sách, chứ ACB chưa thu hồi được nợ gốc và lãi luỹ kế lên tới 711,7 tỷ đồng (tính đến 31/12/2015). Khoản nợ chỉ “đổi chủ” vẫn khiến ACB phải trích lập dự phòng rủi ro đối với lô trái phiếu này hơn 20,8 tỷ đồng.

Tại ĐHCĐ ngày 8/4 vừa qua, trả lời chất vấn của cổ đông, ông Đỗ Minh Toàn – Tổng giám đốc ACB – cho hay, nhóm 6 công ty của bầu Kiện hiện còn nợ ACB hơn 5.657 tỷ đồng, có tài sản bảo đảm và cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản.

Cũng theo ông Toàn, ngân hàng sẽ cân đối được các khoản nợ này song hiện vẫn đang nỗ lực tìm phương án xử lý thu hồi nợ nhờ bán tài sản bảo đảm, cố gắng thu hồi khoảng 2.000 tỷ đồng.

ACB cũng dự lường tình huống xấu nhất và dự kiến trích lập dự phòng 1.000 tỷ đồng cho nợ xấu của nhóm 6 công ty. Riêng quý I/2016, trích lập dự phòng là 200 tỷ đồng, khi nào thu hồi được nợ xấu thì sẽ hoàn nhập chi phí dự phòng.

“Ngậm đắng” vì ham lãi cao

Trước đây, khi hệ thống ngân hàng căng thẳng thanh khoản, các ngân hàng có dư thừa vốn như ACB đã mang lượng tiền rất lớn gửi vào một số ngân hàng bị “đói” vốn, hoặc để ăn chênh lệch lãi suất cao vượt trần quy định.

Đơn cử, ACB đã từng giao cho 19 nhân viên mang 718,9 tỷ đồng gửi vào Vietinbank – chi nhánh TP.HCM, thu lợi chênh lệch lãi suất tiền gửi, để rồi sau đó bị Huyền Thị Huyền Như chiếm đoạt toàn bộ…

Số tiền 718,9 tỷ đồng cùng với lãi phát sinh hơn 36,5 tỷ đồng (đến cuối năm 2012) đã bị quá hạn từ lâu. Sau hai phiên toà đòi quyền lợi thất bại, ACB đã phải cay đắng thừa nhận là “cá nhân khó có khả năng hoàn trả cho ngân hàng”.

Do đó, từ năm 2013 đến nay, ACB đã phải thực hiện trích lập dự phòng, lấy tiền xử lý bù đắp mất vốn. Đến cuối năm 2015, dư nợ tiền gửi của ACB tại Vietinbank vẫn còn hơn 24 tỷ đồng.

Tương tự, hai khoản tiền gửi tại GPBank và VNCB cũng đang “ám ảnh” ACB vì khó thu hồi và cả hai ngân hàng đã bị NHNN tuyên bố mua 0 đồng.

Được biết, ACB có 1.095 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại GPBank (tại thời điểm 31/12/2012), đến cuối năm 2013 giảm còn 772 tỷ đồng và lãi dự thu 65,4 tỷ đồng. Hai bên đã thoả thuận gia hạn hoàn trả số tiền này thêm 2 năm, song đến nay vẫn chưa thể thu hồi được.

Về 772 tỷ đồng tiền gửi tại GPbank, lãnh đạo ACB cho biết, ngân hàng đã đàm phán mua tài sản cố định để gán nợ và đến ngày 7/4, đã mua nợ hơn 500 tỷ đồng, chuyển nợ từ không sinh lời tốt sang sinh lời tốt (lãi suất 9,2%).

Số 272 tỷ đồng còn lại, ACB cũng đang chuẩn bị thủ tục mua tiếp tài sản do GPBank sở hữu từ nay đến 30/9, theo kế hoạch, sẽ tất toán nợ trong năm nay.

Tương tự, đầu năm 2015, NHNN đã mua lại bắt buộc VNCB – nơi mà ACB cũng còn “mắc kẹt” 400 tỷ đồng tiền gửi, đã quá hạn từ lâu. Khoản tiền gửi này đã rơi vào nhóm 5- nợ có khả năng mất vốn, khiến ACB phải tăng trích lập dự phòng lên 176 tỷ đồng. Theo kế hoạch xử lý nợ, ACB sẽ thu hồi dần số tiền này trong 5 năm, đến 30/9/2020 mới xử lý xong.

Với tài sản đảm bảo là trụ sở của VNCB nên ACB tin tưởng rằng “khoản tiền gửi 400 tỷ đồng là hoàn toàn an toàn”. Dù vậy, ngân hàng vẫn phải “cắn răng” trích từ lợi nhuận ra 176 tỷ đồng để dự phòng rủi ro cho khoản tiền gửi quá hạn này.

Có thể thấy, do tính chất phức tạp trong mối quan hệ “nhằng nhịt” giữa ACB và các bên vay nợ, nhận tiền gửi nên quá trình xử lý thu hồi nợ quá hạn diễn ra ì ạch.

Ngân hàng cũng đã bị “mất trắng” hàng trăm tỷ đồng và còn tốn thêm chi phí bù đắp khá lớn, dẫn tới lợi nhuận bị sụt giảm.

Theo TBKD