– Ông Nguyễn Hồ Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) thừa nhận: “Việc bảo kê vàng tặc của chính quyền xã là không còn phải nghi ngờ nữa, chúng tôi khẳng định chắc chắn là vậy”.
 
Chỉ trong vòng 1 tháng, trên địa bàn 2 xã Yên Tĩnh và Tam Đình (huyện Tương Dương) đã xảy ra 2 vụ sập hầm vàng làm 6 người chết.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với các lãnh đạo địa phương trước nạn khai thác vàng rầm rộ trên địa bàn như hiện nay.

'Quan xã': ‘Không bảo kê vàng tặc’
 
Trao đổi với ông Lô Vĩnh Tình, Chủ tịch UBND xã Tam Đình (huyện Tương Dương, Nghệ An), nơi vừa xảy ra vụ sập hầm vàng vào ngày 1/5 làm 5 người tại bản Đình Hương chết thảm.
 

Nhiều dòng sông bị ‘vàng tặc’ băm nát không thương tiếc. Ảnh: Quốc Huy.
 

- Thưa ông, sau khi xảy ra vụ sập hầm khai thác vàng tại bản Đình Hương làm 5 người chết, xã có những giải pháp chấn chỉnh trước mắt và lâu dài như thế nào?
 

Trước khi xảy ra vụ này thì xã cũng có những văn bản chỉ đạo cương quyết đẩy đuổi khai thác vàng trên địa bàn. Trước đó, cũng có đẩy đuổi một số đối tượng, nhưng địa bàn xã Tam Đình không phải là điểm nóng khai thác vàng.

Hố này là hố vàng cũ trước đây làm không được nên mấy họ mang máy đến để làm thử, trong lúc xã nghỉ, huyện nghỉ và bản đã có nhắc nhở rồi mà họ không nghe.
 
- Người dân xã Tam Đình nói riêng và huyện Tương Dương nói chung xem nghề đào vàng là “nghề truyền thống”?
 
Riêng xã Tam Đình thì không phải là nghề truyền thống, vì không có nhiều vàng. Còn các xã khác như vùng '4 Yên, 1 Nga' thì mới nhiều vàng. Như Yên Hoà, Yên Thắng, Yên Na và Yên Tĩnh và Nga My. Đó là những xã có số vàng nhiều. Còn ở dọc đường 7 (dòng sông bám đường QL7A - PV) thì có các xã Tam Quang, Tam Thái...

Xã Tam Đình từ trước đến nay là không có và đây cũng không phải là điểm đáng chú ý lắm.
 
- Xã Tam Đình có bao nhiều người hành nghề khai thác vàng sa khoáng trên địa bàn?
 
Không có đâu! Bởi vì họ chủ yếu làm tự phát, cái này tôi nắm rất rõ. Trước đây thì có 4 chiếc tàu của Hà Nam không có giấy phép mà vẫn khai thác, xuống đây chúng tôi cho đẩy đuổi hết rồi. Truy thu cả máy móc lên giao nộp cho công an huyện.
 
- Việc khai thác vàng tại xã có phải là nguồn thu nhập chính của người dân?

 
Không phải. Xã Tam Đình nguồn chính là sản xuất nông nghiệp, còn khai thác vàng không liên quan gì đến thu nhập chính gì cả.
 
- Như vậy, việc xảy ra vụ sập hầm làm 5 người chết làm chính quyền xã bất ngờ?
 
Khi xảy ra vụ sập hầm vàng thì các cấp tỉnh, huyện đều nói rằng không ngờ ở bản này lại xảy ra vụ việc như thế. Những nơi là điểm nóng thì không việc chi hết, mà những nơi không có vàng lại xảy ra như thế. Đây cũng là một sự cảnh báo cho xã để làm tốt công tác tuyên truyền chống khai thác vàng.
 
- Cá nhân ông là người đứng đầu xã sẽ nhận trách nhiệm khi để xảy ra vụ sập hầm như thế nào?

 
Trách nhiệm của bản thân là người đứng đầu thì tôi cũng đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Vì thực tế chúng tôi cũng đã ban hành các văn bản và đi kiểm tra 8 ngày trước khi xảy ra vụ sập hầm. Nên ở đây chúng tôi rất an tâm, quán triệt ngay từ đầu và không ngờ ngày nghỉ họ lại đi làm như thế.
 
- Như ông nói thì trách nhiệm để xảy ra vụ sập hầm vàng như vừa qua là do người dân bản Đình Hương chứ không phải là do chính quyền xã?
 
Đúng rồi. Chính ngay ban quản lý thôn bản cũng nói rất nhiều, nhưng họ cũng không nghe.
 

Phụ nữ tại xã Yên Hoà, Yên Na, Yên Tĩnh gùi đất từ trên đỉnh núi Pù Phen xuống lòng sông đãi đất tìm vàng. Ảnh: (Quốc Huy).

- Có nhiều thông tin cho rằng, chính quyền xã “bảo kê” cho nạn khai thác vàng trên địa bàn?
 
Không, làm gì có. Vì xã Tam Đình không phải là tâm điểm khai thác vàng. Có một số cá nhân họ lén lút làm vậy thôi. Sự việc xảy ra trên là trách nhiệm của gia đình là trước. Còn xã, huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng ý thức một số người dân không cao.
 
- Sau khi xảy ra vụ sập hầm làm 5 người chết, chính quyền xã có kiểm điểm trách nhiệm chưa?

 
Sáng nay chúng tôi vừa họp, kiểm điểm lại, coi đây là một bài học cho địa phương, đối với lãnh đạo xã thì cần chấn chỉnh lại.
 
Các quan “bảo kê vàng tặc”!
 
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Hồ Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương xung quanh tình trạng khai thác vàng, bảo kê vàng tặc và những cái chết thương tâm của người dân từ những vụ sập hầm vàng.
 
- Thưa ông, trước khi xảy ra vụ sập hầm vàng thương tâm thì UBND huyện có thường xuyên đôn đốc các xã tăng cường chỉ đạo kiểm tra không?
 
Từ đầu năm đến nay UBND huyện đã ban hành rất nhiều văn bản như: Ngày 13/4/2011, ban hành chỉ thị số 580 về việc tập trung đẩy lùi nạn khai thác vàng trái phép và thành lập đội chuyên đi đẩy lùi nạn khai thác vàng. Hiện nay chúng tôi đã tịch thu được rất nhiều máy đang để tại công an huyện.
 
Ông Nguyễn Hồ Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương. Ảnh: VietNamNet.

- Trong vòng 1 tháng trên địa bàn huyện xảy ra 2 vụ sập hầm làm 6 người chết. Phải chăng con số đó còn ít so với thực trạng có hàng trăm người dân hành nghề khai thác vàng ở Tương Dương như hiện nay?
 
Việc 2 lần sập hầm làm chết 6 người là có thật. Nhưng đó là nỗi đau không riêng gì đối với gia đình có người chết mà là nỗi đau của cả huyện.
 
- Thưa ông, qua vụ sập hầm vàng vừa rồi cho thấy UBND huyện Tương Dương có buông lỏng trong việc quản lý khai thác vàng trên địa bàn?

 
Không thể nói là buông lỏng được. Huyện đã làm rất chặt, rất mạnh và rất công tâm bởi những lý do: Địa hình rộng phức tạp, phương tiện điều kiện đi lại khó khăn. Cơ chế Nhà nước đề ra chưa đủ nghiêm vì quyền chủ tịch huyện chỉ phạt được đến 20 triệu, trong lúc máy móc của họ thì hàng tỷ đồng. Máy to thì cần có người canh chừng, còn máy nhỏ thì cần 8 đến 9 người mới khiêng ra được. Chứ huyện không buông lỏng!
 
- Nhiều thông tin cho rằng, việc khai thác vàng rầm rộ ở trên địa bàn huyện Tương Dương như vừa qua là có sự “bảo kê” của chính quyền xã, huyện? Ông thấy như thế nào?

 
Chuyện bảo kê là không có. Nhưng việc khai thác vàng rầm rộ như thế là trách nhiệm của người dân, cán bộ bản và xã quản lý không nghiêm. Dư luận có ý kiến là bản và xã không không đứng về phía vàng tặc thì không xảy ra vàng tặc đâu.  

- Ông có nghi ngờ chuyện xã “bảo kê” cho vàng tặc?
 
Chúng tôi không phải nghi ngờ nữa, mà đó là điều chúng tôi khẳng định chắc chắn như vậy. Là ai thì chưa rõ lắm. Vì rõ ràng là việc đào vàng thì xã và bản phải biết, vì thế họ làm chưa hết trách nhiệm. 
 
- Trách nhiệm của UBND huyện trước 2 vụ sập hầm vàng trên là như thế nào?
 

Trách nhiệm trước hết là về mặt quản lý Nhà nước, mặc dầu đã có rất nhiều cố gắng nhưng lực bất tòng tâm. Nên hiệu quả chưa cao, để xảy ra tình trạng đó. Hơn nữa là thái độ của người dân cũng không chịu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bất cẩn trong quá trình khai thác khoáng sản, dẫn đến tai nạn đáng tiếc xảy ra. Đó là mất mát không thể bù đắp được đối với người dân và cả xã hội.

- Xin cảm ơn ông!

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Hoàng Danh Lai, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cho biết: “Vụ việc sập hầm tại bản Đình Hương, xã Tam Đình Sở đã phối hợp với huyện Tương Dương để xử lý kịp thời, đưa các nạn nhân xấu số về mai táng và đang đề nghị công an tỉnh vào cuộc điều tra nguyên nhân. Sắp tới, Sở sẽ tăng cường đôn đốc các huyện, xã phải tiến hành kiểm tra thường xuyên. Không những vàng mà tất cả các loại khoáng sản trái phép khác”.
  • Quốc Huy – Hoàng Sang