Tại Hội nghị chuyên đề Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực nông nghiệp ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, trong nông nghiệp, ứng dụng AI đã tiến hành ở nhiều nơi và mang đến nhiều kết quả thực tiễn. 

Từ năm 1950, Alan Turing đã đặt ra vấn đề liệu máy móc có thể suy nghĩ hay không - và lần đầu tiên, ông đặt ra khái niệm “Trí tuệ nhân tạo”. Từ năm 1957 đến năm 1974, sự phát triển của điện toán cho phép máy tính lưu trữ nhiều dữ liệu hơn và xử lý nhanh hơn. Trong giai đoạn này, các nhà khoa học đã phát triển thêm các thuật toán máy học (machine learning). Và gần đây nhất, ngày 30/11/2022 OpenAI ra mắt ChatGPT đã gây kinh ngạc cho toàn thế giới. ChatGPT đánh dấu sự đột phá của Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM-Large Language Model).

Ông Trương Xuân Nam – Giám đốc Diễn đàn Học sâu (Deep Learning) cho rằng giải pháp nông nghiệp thông minh cho tổ chức cần sự vào cuộc của doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và người nông dân có thể là một phần của giải pháp AI, hưởng lợi từ AI. Một số giải pháp ứng dụng AI cho nông dân mà ông Nam đề xuất như Giảm lãng phí đầu vào (thuốc sâu, thức ăn, nước, phân bón), Đảm bảo đơn giản và dễ sử dụng, Cải thiện phòng bệnh (phát hiện sớm, các biện pháp phòng ngừa) và Tinh giản chuỗi cung ứng (loại bỏ bước trung gian, bán hàng trực tiếp). Bộ Nông nghiệp có thể xây dựng hệ thống AgriAI sử dụng AI cung cấp dịch vụ cho từng nông dân hay hệ thống hỏi đáp thông tin nông nghiệp để giúp giám sát chất lượng nông sản, mở rộng truy xuất nguồn gốc tốt hơn.

W-caimeo.png
Có thể xây dựng hệ thống AgriAI cung cấp dịch vụ cho từng nông dân

Chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hồi đầu tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh: Cần coi chuyển đổi số là phương tiện để hỗ trợ chúng ta chứ không phải là gánh nặng. Vụ Pháp chế cần tham mưu sâu hơn trong lĩnh vực này. Chúng ta cần phân biệt cái gì là thủ tục hành chính, cái gì là biện pháp nghiệp vụ trong thủ tục đó để có thể bóc tách nghiệp vụ khỏi thủ tục hành chính.

Với tinh thần đó, Bộ trưởng gợi mở, có thể xã hội hóa, thậm chí mời các tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm đào tạo cho HTX, nông dân để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp.    

Triển khai chuyển đổi số, Bộ NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch tổ chức và thực hiện một số công tác chuẩn bị cho Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” do Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT; Triển khai có hiệu quả, đồng bộ việc đầu tư hạ tầng CNTT của Bộ thuộc Dự án “Xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số của Bộ giai đoạn 2021-2025” nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu chuyển đổi số tại Bộ; Đã xây dựng kế hoạch triển khai Hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; Triển khai cập nhật và bổ sung cho Khung kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu nền tảng chia sẻ của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Dự án đầu tư “Xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn”.