Lời tòa soạn: Không gian mạng dần dần không còn “ảo” nữa khi nhà nhà, người người đang dành rất nhiều thời gian cho mạng. Lẽ tất yếu, không gian mạng giờ không chỉ có lời hay ý đẹp, mà cũng đang bị ô nhiễm bởi tràn ngập những hành động bêu riếu, xúc phạm nhau, thậm chí cả ăn cắp, lừa đảo lẫn nhau… Mọi thứ “lệch chuẩn” đó còn dễ dàng phát tán trên không gian mạng hơn bởi pháp luật và các công cụ quản lý còn chưa bao phủ được hết “cuộc sống” còn khá mới này. Báo VietNamNet triển khai loạt bài "Dọn sạch không gian mạng" với mong muốn nêu ra thực trạng đau lòng về sự ô nhiễm của cuộc sống mạng, tìm ra nguyên nhân lý giải và nhất là gợi mở cách thức để quản lý cũng như kêu gọi mọi người chung tay xây dựng một không gian mạng sạch sẽ, văn minh và lành mạnh để mỗi chúng ta và con em mình đều được “sống đẹp” dù ở bất cứ đâu, trên mạng hay trong đời thật. |
Bạn tôi từng bị xúc phạm trên mạng. Một nickname đăng tin vu khống anh “thiếu nợ và lừa đảo nên bị công an khởi tố điều tra” trong khi hằng ngày anh vẫn làm việc, chở con đi học bình thường.
Thông tin này được lan truyền rất nhanh. Người thân, bạn bè, đồng nghiệp gọi điện và nhắn tin hỏi thăm, ảnh hưởng đến cuộc sống, gia đình, công việc và các mối quan hệ của anh.
Nhiều tổ chức, cá nhân dễ dàng chia sẻ thông tin không đúng sự thật, không đáng tin cậy. Các thông tin này lại được lan truyền khiến cộng đồng bị cuốn theo gây hoang mang, bất an, chưa kể việc xúc phạm đời tư cá nhân, vu cáo làm ảnh hưởng danh dự và cuộc sống người khác.
Thời nay, các loại hình phương tiện, công nghệ truyền tin phát triển. Hằng ngày con người đọc, chia sẻ, bình luận quá nhiều vụ việc nếu chưa được kiểm chứng dễ tạo tâm lý bất an, ai cũng có thể trở thành nạn nhân kế tiếp bị làm nhục trên mạng.
Từ đó, nhiều người mất niềm tin cuộc sống, có thái độ thờ ơ với giá trị sống vì cho rằng vàng thau lẫn lộn. Hơn nữa, nhận thức về hành vi mỗi người thường bị ảnh hưởng bởi những điều mắt thấy, tai nghe.
Thực tiễn ở nhiều quốc gia cho thấy, hoạt động trên mạng luôn được đặt trong khuôn khổ pháp luật nước sở tại. Hàn Quốc thẳng tay chặn các trang mạng có nội dung vi phạm luật an ninh nước này, đăng tin xuyên tạc chính trị, kích động bạo lực, trái với văn hóa truyền thống dân tộc, thậm chí là khiêu dâm. Vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ trên không gian mạng luôn phải kiểm duyệt, ngăn chặn các tài khoản, clip có nội dung không phù hợp.
Thụy Điển - nơi chị tôi định cư, pháp luật cũng rất nghiêm khắc, mạnh tay xử lý các vi phạm trên mạng xã hội. Chị kể, ở đây quy định nhà mạng phải bảo vệ sự riêng tư thông tin cá nhân, xảy ra vi phạm có thể dừng ngay hoạt động cung cấp dịch vụ và bồi thường tổn thất gây ra, xử lý thật nghiêm các đối tượng tung tin phát tán để làm gương và răn đe người khác.
Nhà mạng có trách nhiệm theo dõi và kịp điều chỉnh, ngăn chặn ngay các cá nhân và tổ chức sử dụng dịch vụ vi phạm, truy quét các thông tin xuyên tạc, sai sự thật, nếu không ngoài phạt nặng sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Để ngăn chặn những tác động tiêu cực từ mạng xã hội, bên cạnh ý thức từ mỗi người cũng như thái độ hành xử đúng đắn trước các hành vi xấu, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền hướng dẫn cách sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng vừa có văn bản chính thức đề nghị các tỉnh, thành tăng cường công tác quản lý, xử lý người livestream xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục…
Nếu chỉ phạt hành chính, tôi e rằng không đủ sức răn đe. Chúng ta cần thêm liều thuốc “đặc trị” dứt điểm “căn bệnh” này, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm cũng như những trang mạng cung cấp dịch vụ để xảy ra vi phạm, cụ thể là vi phạm luật an ninh mạng của Việt Nam.
Quy trách nhiệm cho những trang mạng cung cấp dịch vụ bồi thường, khắc phục hậu quả nếu có và loại bỏ ngay những thông tin sai trái và xấu xí phát tán lan rộng trên mạng. Ngoài ra, chúng ta cần sử dụng các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật và trái với thuần phong mỹ tục văn hóa dân tộc.
Tất cả thông tin trên mạng xã hội vi phạm pháp luật đều bị chặn truy cập, chia sẻ, tạm ngừng hiển thị nội dung, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm để răn đe. Nhà mạng để xảy ra vi phạm, ngoài bị phạt nặng còn ngưng cung cấp dịch vụ, khi nào khắc phục xong mới cho phép hoạt động trở lại.
Cộng đồng trên mạng cũng giống như ngoài đời thực. Một gương người tốt, hành động tốt, câu chuyện nhân văn có thể tác động tới lương tri, nhận thức con người giúp hành xử trong đời sống hằng ngày chuẩn mực hơn, tôn trọng quy phạm đạo đức và luật pháp.
Việc này đòi hỏi cơ quan chức năng, báo chí truyền thông chính thống với tính nhân văn làm tốt vai trò định hướng những giá trị chân, thiện, mỹ.
Độc giả Đỗ Ngô Trần
MC Lê Anh: Học cách dùng mạng xã hội để tẩy chay văn hoá 'bóc phốt', 'dìm hàng'
"Tôi cho rằng cốt lõi ở việc nâng cao năng lực sử dụng mạng xã hội, công dân mạng Việt sẽ tự tẩy chay những hành vi ứng xử vô văn hóa, thiếu văn minh".