Samsung Galaxy S8 được giới thiệu tại TP.HCM tuần trước. 3 ngày sau đó hãng tổ chức một sự kiện hoành tráng kéo dài một ngày ở sân vận động Mỹ Đình nhằm giới thiệu chiếc điện thoại đến người dân thủ đô. Cũng trong vòng vài ngày sau khi ra mắt chính thức, hàng loạt nhà bán lẻ lớn nhỏ, từ quy mô ngàn cửa hàng như Thế Giới Di Động đến hệ thống vài cửa hàng nhỏ ở TP.HCM cũng nhận được sự hỗ trợ của Samsung để tổ chức các sự kiện offline giới thiệu Galaxy S8.

Trước đó, ngày 23/3 Oppo tung ra chiếc smartphone đầu bảng F3 Plus tại TP.HCM. Sự kiện tổ chức hoành tráng với sự tham dự của những gương mặt quen thuộc là các ngôi sao giải trí hạng A tại Việt Nam. Sau sự kiện này, Oppo kết hợp cùng nhà bán lẻ Thế Giới Di Động tổ chức một buổi giới thiệu F3 Plus quy mô lớn tại TP.HCM. Các hoạt động sau sự kiện chính của Oppo có thể chưa bằng của Samsung nhưng vượt qua bất kỳ đối thủ nào tại Việt Nam hiện nay.

Không kể sự kiện chính, hình ảnh Samsung S8 và Oppo F3 Plus ngập tràn tất cả các phương tiện quảng cáo tại Việt Nam, hầu như không thiếu kênh truyền bá nào.

Như một hệ quả tất yếu, Samsung, Oppo, cùng với Apple, đang có vị trí dẫn đầu thị trường di động Việt Nam.

Ông Võ Lê Tâm Thanh, chuyên viên nghiên cứu thị trường tại IDC, cho biết trong quý 4/2016, Samsung, Oppo, Apple lần lượt giữ 3 vị trí đầu bảng tại thị trường smartphone Việt Nam, các hãng còn lại chiếm thị phần thấp hơn nhiều.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc ngành hàng viễn thông di động Thế Giới Di Động – hệ thống đang dẫn đầu thị phần bán lẻ điện thoại di động tại Việt Nam, cho biết Samsung đang chiếm khoảng 35% tổng doanh số hệ thống này, tiếp đến là Oppo và Apple cùng đạt 20%, các hãng còn lại chiếm 15%.

Trong khi Samsung và Oppo đang ngự các vị trí cao nhất của thị trường smartphone Việt Nam, chiếm cứ các kênh quảng bá thì những hãng còn lại tỏ ra khá dè dặt. Những tên tuổi truyền thống như Sony, HTC lâu lâu mới ra một sản phẩm với sức hút không đủ lớn. Mạnh mẽ hơn một chút lại chính là các thương hiệu Trung Quốc như Huawei, Vivo – hai đối thủ lớn của Oppo tại Trung Quốc. Hãng di động Việt Mobiistar cũng chiếm chút thị phần nhỏ nhưng tiềm lực và truyền thông vẫn chưa thể so với hai hãng Trung Quốc vừa kể. Những tên tuổi còn lại hầu như mất hút trong bản đồ thị phần tại Việt Nam.

Nhìn tổng quát, các hãng như Huawei, Vivo đang có tiềm lực và cả mong muốn ngáng chân ba ông lớn. Xiaomi đang chiếm thị phần thứ hai tại Ấn Độ, đứng thứ 3 tại Indonesia cũng là một tên tuổi tiềm ẩn khi vừa gia nhập thị trường Việt Nam cách đây chưa đến một tháng. Và một ứng viên tiềm năng nữa là Nokia, sẽ chính thức trở lại thị trường smartphone giữa năm nay.

Tuy vậy, ông Võ Lê Tâm Thanh nhận địn rằng “lực” của các hãng này là ngang nhau, chưa có hãng nào vượt trội đủ để làm khó 3 hãng kia. Ông Thanh cho rằng Samsung và Oppo đang vượt trội, nếu có một hãng làm đối thủ thì đó chính là… Apple.

Đồng quan điểm với ông Thanh, ông Mai Triều Nguyên – chủ hệ thống Mai Nguyên – cho biết các hãng hiện nay dù đã có cố gắng ra mắt sản phẩm mới, có thay đổi nhưng vẫn loay hoay, chưa có gì rõ nét đủ để ngáng chân Samsung, Oppo, Apple.

Dù vậy, ông Nguyên đặt niềm tin vào sự trở lại của Nokia, hãng từng đứng số 1 Việt Nam một thời. Nokia có thể chiếm vị trí thứ 4 sau 3 hãng kia. Về thương hiệu, Nokia khá mạnh và đã ăn sâu trong tiềm thức của người Việt. Về sản phẩm, Nokia được Foxconn sản xuất nên chất lượng đảm bảo. Nokia chọn hệ điều hành Android là một bước đi đúng đắn, và việc họ trở lại như một tân binh – không có gì để mất – khiến cuộc chơi sẽ sôi động hơn, ông Nguyên đánh giá.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em cũng từng dành lời tốt đẹp cho Nokia và tin vào sự trở lại của hãng này sắp tới.

Xem Nokia trở lại Việt Nam sẽ khiến nhiều hãng điện thoại "mệt mỏi"

Đánh giá tốt Nokia, nhưng ông Võ Lê Tâm Thanh khá dè dặt, cho rằng hãng này cần thành công ở các thị trường khác nữa để đủ chi phí nuôi bộ máy, chứ thành công riêng ở Việt Nam thì chưa đủ.

Thị trường di động tại Việt Nam vẫn trong giai đoạn phát triển, do đó rất tiềm năng và đầy cơ hội cho các thương hiệu. Tuy vậy, thị trường này cũng rất quyết liệt do có sự tham gia của quá nhiều hãng lớn nhỏ khác nhau, vì vậy chỉ những hãng đủ tiềm lực và quyết tâm mới bứt phá lên được. Oppo và Asus từng là hai chú ngựa ô cách đây vài năm nhưng rõ ràng chỉ có một hãng bứt phá, cho thấy cần rất nhiều yếu tố để vượt nhóm sau và duy trì đà tăng trưởng.