Theo những người già trong làng kể lại, từ xa xưa người Dao quần trắng đã tổ chức lễ cầu làng một năm 4 lần. Ở mỗi thời điểm, nghi lễ mang một ý nghĩa riêng song các nghi thức tâm linh lại tương đối thống nhất mang ý nghĩa cầu và tạ ơn thần linh ban cho con người sức khỏe, bản làng hạnh phúc, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, xua đuổi mọi dịch bệnh và những gì không may mắn ra khỏi làng.

Ngày 25 tháng Chạp là lễ đóng cửa làng. Đây là nghi lễ lớn nhất trong năm và mọi người trong bản phải thực hiện nghiêm những điều cấm kỵ. Người trong làng không được mang bất cứ đồ vật gì ra khỏi làng. Người ngoài vào làng cũng không được chở bất cứ thứ ra khỏi cổng làng. Nếu có việc bất khả kháng phải mang đồ ra khỏi làng, gia chủ gấp rút báo cáo chủ làng. Chủ làng sẽ dâng lễ, thắp hương báo cáo lý do với các vị thần linh. Theo quan niệm của đồng bào Dao quần trắng ở Dùm, việc kiêng kỵ này có nhiều ý nghĩa. Bởi đây là thời gian bà con đang đón Tết Nguyên đán cổ truyền. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới vô cùng linh thiêng. Trong khoảng thời gian này nếu ai mang đồ vật ra khỏi làng tức là mang lộc của cả làng đi. Cả năm đó, làng sẽ mất lộc, cuộc sống dân bản từ đó mà kém may mắn, dân làng lo sợ điều xui xẻo kéo đến.

Lễ đóng cửa làng sẽ kéo dài đến ngày 2/2 âm lịch năm sau. Vào ngày này, dân bản sẽ tổ chức lễ mở cửa làng sau hơn một tháng thực hiện nghi lễ đóng cửa làng. Người dân không phải thực hiện những kiêng kỵ của nghi lễ đóng cửa làng nữa. Lúc này, dân bản bắt tay vào công việc lao động, sản xuất của năm mới. Vì vậy, cộng đồng dâng lễ lên các vị thần linh thổ địa với mong muốn phù hộ bà con dân bản một năm bình an, người người khỏe mạnh, nhà nhà no ấm.

{keywords}
Hàng năm, người Dao tổ chức Lễ cầu làng với ước mong làm đâu được đấy, khỏe mạnh, mong được của cải về mọi nhà về cả xóm, cả thôn để được ấm no, hạnh phúc.

Sau nghi lễ mở cửa làng là nghi lễ cầu mùa diễn ra vào 6/6 âm lịch. Đây là vụ sản xuất chính trong năm của người Dao quần trắng ở làng Dùm. Do đó, bà con mong ước thời tiết thuận hòa, tránh được những rủi ro như mưa lũ, hạn hán, sâu bọ phá hoại mùa màng, ngô lúa bội thu.

Để thực hiện nghi lễ, trước đó, người dân trong thôn sẽ họp để bầu ra ông trùm làng. Ông trùm phải là người đã có bài vị cấp sắc, phải được học đầy đủ, các phong tục tập quán phải nắm chắc và phải là người có uy tín. Nhiệm vụ của ông trùm là quản lý, trông coi Đình nơi làm lễ và đứng ra tổ chức các nghi lễ. Theo đó, ông trùm phải mặc trang phục truyền thống, mang sách cúng để thực hiện nghi lễ. 

Lễ cúng sẽ được tổ chức ở khu vực rừng thiêng của cả thôn. 

Quy định trong một Lễ cầu làng cần ít nhất 3 vật sống để dâng cúng thần linh. Tuy nhiên, thông thường các gia đình đều dâng cúng lên thần linh khoảng 6 vật sống gồm 1 con lợn và 5 con gà. Các vật phẩm ở lễ cúng đều là những sản phẩm nông nghiệp do người dân lao động sản xuất được để tỏ lòng thành kính.

"Từ sáng sớm người dân đã tập trung ở nhà chủ làng chuẩn bị lễ vật để mời thầy đến cúng. Ý nghĩa của bài cúng là cầu cho mọi người luôn mạnh khỏe, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu…", thầy cúng Triệu Văn Thêu, ở thôn Khe Quạt, xã Tân An, huyện Văn Bàn cho biết.

Khi lễ cầu làng bắt đầu, những người cao tuổi, có uy tín trong thôn sẽ phụ giúp trùm làng thực hiện những nghi lễ. Ông trùm làng sẽ làm lễ, với những bài văn khấn bằng tiếng Dao.

Khi lễ cầu làng kết thúc, người dân trong thôn sẽ cùng nhau tổ chức bày mâm cỗ ăn uống thể hiện tình đoàn kết.

Qua đó, giúp người dân trong làng thêm gắn kết với nhau hơn, cùng nhau lao động, sản xuất xây dựng quê hương giàu đẹp.

Ai cũng mong được làm nên, ăn ra, làm đâu được đấy, không ai ốm đau, mong được của cải về mọi nhà về cả xóm, cả thôn để được ấm no, hạnh phúc.

Lễ cầu làng gắn liền với lịch sử hình thành bản làng của người Dao, giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, là một nghi lễ dân gian, một tập quán xã hội, sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng với nhiều hoạt động khác nhau. Qua nghi lễ này giúp người dân trong thôn bản gắn kết với nhau hơn, cùng nhau lao động, sản xuất xây dựng quê hương giàu đẹp. Đây là một phong tục tập quán cần được bảo tồn và gìn giữ.

Nguyễn Liên

Ảnh: Bạt Tuấn