Không quan trọng việc truy lùng Muammar Gaddafi mất bao lâu, giờ đây đã tương đối dễ dàng rút ra một phiếu ghi điểm về cuộc xung đột ở Libya và chỉ ra kẻ thắng người thua.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Giành chiến thắng lớn nhất, tất nhiên, là người dân Libya, những
người, với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, đã cưỡi con sóng khởi nguồn từ
Tunisia và Ai Cập, và lật đổ nhà lãnh đạo chuyên quyền của họ. Dù kết quả cuối
cùng của sự hỗn loạn ở Libya hiện nay thế nào thì cũng không thể tệ hơn 42 năm
trước đó.
Nhóm giành chiến thắng thứ 2 gồm Nicolas Sarkozy, David Cameron và Barack Obama.
Chính lãnh đạo các nước Pháp và Anh đã thuyết phục Tổng thống Mỹ thúc đẩy một sự
ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc cho phép can thiệp vào Libya, và chính ông Obama đã
cung cấp hỏa lực mà nếu không có nó thì không một sự can thiệp nào có được thành
công.
Vào một thời điểm mà không ai trong số 3 nhà lãnh đạo nói trên được tín nhiệm
cao trong các cuộc thăm dò ý kiến ở đất nước họ, sự thành công của chiến dịch
Libya chắc chắn là một kiểu an ủi nào đó.
Và cuối cùng, các tổ chức quốc tế - từ Liên Hợp Quốc và Tòa án Tội phạm quốc tế
tới Liên đoàn Ảrập - có thể tự chúc mừng vì một sự tương phản gần như hoàn hảo
đối với thất bại Iraq. Các cơ chế đa phương đã hoạt động, sự ủng hộ của khu vực
luôn vững chắc, chi phí cao nhưng không bằng tầm cỡ Iraq và sự trở lại bình
thường ở Libya có vẻ tương đối gần. So với năm 2003 thì có cả một thế giới khác
biệt.
Những người thất bại cũng khá dễ xác định. Gaddafi, gia đình ông cùng những
người thân tín của nhà lãnh đạo thất thế này giờ đây đang phải thu mình lại hoặc
trốn chạy.
Còn ở Mỹ và châu Âu, phe phản đối những gì khởi đầu là một sự can thiệp nhân đạo
nhằm tránh một cuộc thảm sát ở Benghazi và tham gia hướng tới một chiến dịch
thay đổi chế độ đều bị tổn hại danh tiếng. Đức bỏ phiếu trắng cho Nghị quyết
1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, văn bản cho phép sử dụng vũ lực để bảo
vệ dân thường; nước này cũng từ chối tham gia vào chiến dịch NATO. Cả hai vì các
lý do chính trị trong nước, và một sự tính toán sai về khả năng thành công, Thủ
tướng Angela Merkel đã giữ khoảng cách. Bà đã sai lầm.
Nhưng có lẽ, thua nhất ngoài gia đình Gaddafi là những nước công khai phản đối
sự can thiệp của cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ dân thường và hạ bệ các nhà lãnh
đạo chuyên quyền, thậm chí bằng một sự ủy nhiệm đa phương.
Brazil và Ấn Độ đều bỏ phiếu trắng về Nghị quyết 1973 còn Nam Phi
chỉ bỏ phiếu thuận sau khi Tổng thống Obama đích thân gọi cho người đồng cấp
Jacob Zuma.
Với sự tín nhiệm của mình, Nam Phi đã có một số nỗ lực nhằm tìm ra các giải pháp
trung gian ở Libya. Cố gắng này không đi đến đâu, chủ yếu bởi vì chúng dựa trên
sự duy trì chế độ Gaddafi. Brazil và Ấn Độ - đang mong muốn có ghế thường trực
tại Hội đồng Bảo an và yêu cầu được nhìn nhận nghiêm túc là các cường quốc thế
giới - đã chọn không tham gia vào một trong những hành động thành công nhất của
Hội đồng trong ký ức gần đây. Đến nay, cả hai nước vẫn chưa công nhận chính
quyền mới ở Libya.
Đối với Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, quy tắc không can thiệp là nền tảng của bất kỳ
chính sách đối ngoại đa phương nào: các quan tâm nhân đạo ở bậc dưới so với bảo
vệ chủ quyền quốc gia khỏi sự can thiệp của nước ngoài. Điều đó cho thấy sự miễn
cưỡng của họ khi can thiệp vào các cuộc khủng hoảng khác, trong đó có Syria.
Dù gửi đại biểu đến Damascus với hy vọng có thể thuyết phục Tổng thống Bashar
Assad ngừng trấn áp người biểu tình, các nước này vẫn tiếp tục phản đối các lệnh
cấm vận của Hội đồng Bảo an, và cùng với Nga, "trói tay" Liên Hợp Quốc về vấn đề
Syria. Bằng cách gắn với một lập trường đã khiến họ thất bại ở Libya, các nước
này đang chứng tỏ họ chưa sẵn sàng cho một vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc
tế.
Thanh Hảo (Theo TIME)