Náo loạn làng văn nghệ
Ai xứng đáng với giải thưởng cao quý? Đặt ra mệnh đề ấy có quá khó để tìm câu trả lời? Bởi vì trong thâm tâm mỗi nghệ sĩ, chắc chắn rất ít người chịu thừa nhận cái tôi cá nhân và sự thành công của bạn nghề khác ngoài mình.
Thế cho nên mới có chuyện không lọt đề cử thì khiếu kiện. Và từ chỗ cho rằng hội đồng xét giải thiếu minh bạch, đã đến chỗ phủ nhận tất cả các tên tuổi lừng lẫy, cho rằng các nhạc sĩ được giao trọng trách đều “không có tâm và thiếu tầm cao trí tuệ”, “xét các tác phẩm theo cảm tính, mù mờ, lẫn lộn trắng đen, làm sao đánh giá chính xác được bản chất, giá trị đích thực…”
Không thể phủ nhận rằng bất cứ hội đồng xét giải nào cũng có thể còn nhầm lẫn, sai sót; và bất cứ hội đồng xét giải nào cũng có thể khiếm khuyết, hạn chế; nhưng nói như năm nhạc sĩ khiếu kiện ở trên thì hóa ra các nhạc sĩ từng đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước như Trần Long Ẩn, Ca Lê Thuần, Phan Huỳnh Điểu, Chu Minh… đều mất uy tín cả.
Mà thực sự, cũng đã có ý kiến trên mặt báo gạt phắt giá trị của hội nghề lớn nhất nhì cả nước. Nhưng, nếu đã không còn coi trọng giá trị của hội nghề, bạn nghề, thì tại sao phải đấu tranh bằng mọi giá cho cái danh được ghi bằng giải thưởng? Đến mức sẵn sàng kiện tụng, nói xấu, mạt sát lẫn nhau?
Năm nhạc sĩ đứng đơn khiếu kiện lần này, đã nhắc đi nhắc lại việc năm vị nhạc sĩ – đại tá quân đội đứng đơn khiếu nại về việc nhạc sĩ Trọng Bằng không đủ tư cách nhận giải thưởng Hồ Chí Minh hồi năm 2006. Theo hồ sơ còn lưu, thì hồi đó, nhạc sĩ Vĩnh Cát đã phải gửi đơn lên tận Thủ tướng Chính phủ để phản ánh về Ouverture “Chào mừng”.
Tuy nhiên, theo thiển ý của người viết bài thì không thể so sánh, đánh đồng hai sự việc này với nhau, trừ một yếu tố duy nhất rằng cả hai đều là scandal của Hội Nhạc sĩ.
Vụ việc Ouverrture “Chào mừng” là những ý kiến về mặt chuyên môn, học thuật, được rất đông các nhạc sĩ trong hội nghề cùng ngồi lại phân tích tác phẩm, đánh dấu từng khuông nhạc giống nhau giữa tác phẩm của nhạc sĩ Trọng Bằng với giao hưởng của Shostakovich, cân nhắc cẩn thận rồi mới phát biểu trên báo. Còn sự vụ lần này, chỉ đơn giản là những ý kiến cá nhân, không phục nhau giữa các tác giả với hội đồng xét giải. Mục tiêu đấu tranh là: Tác phẩm của tôi hay thế, tại sao không xét giải cho tôi???
Đạo diễn Nguyễn Thước và nhà biên kịch Phan Huyền Thư
Sự vụ trong lĩnh vực điện ảnh của ba nghệ sĩ công tác trong cùng một hãng phim cũng khá buồn cười khi cuối cùng thì vấn đề vẫn chỉ nằm ở chỗ không thừa nhận sự cống hiến, sức lao động và cái tài của nhau.
Giải thưởng và những thủ đoạn hậu trường
Có những scandal khi đã “phát lộ” trên báo thì thực sự chỉ là phần cuối của cả một chặng đường “chiến đấu” chìm khuất trong bóng tối, có thể là đã kéo dài mười năm, thậm chí mấy chục năm, giữa các đồng nghiệp với nhau, liên quan dắt dây từ giải thưởng này sang giải thưởng khác.
Chuyện thâm cung bí sử trong giới văn nghệ, cũng nhiều khi phong phanh lọt ra đến bên ngoài, hiểm hóc phe nọ phải xin cánh kia “tha cho”, hoặc “quyết đánh đến chết”, hoặc “phải vùi dập cho tan tành”.
Nói đến mùa giải 2006, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ngậm ngùi cho biết, hồi đó mặc dù tác phẩm của anh đã nhận được 13/15 phiếu của hội đồng xét tặng Giải thưởng Nhà nước, nhưng cho đến những ngày cuối cùng, nhạc sĩ A.T đã gọi điện nhắn nhủ anh rằng “bên trên”, “các cụ có nhiều ý kiến không thuận”, rằng anh em mình còn trẻ, có khi nên rút ra, cứ cống hiến đi đã…
Và, vụ việc gửi đơn xin rút tên khỏi Giải thưởng Nhà nước của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân lại một lần gây náo loạn Hội Nhạc sĩ sau khi nhạc sĩ Trọng Bằng rút khỏi Giải thưởng Hồ Chí Minh. Và, đương nhiên, nhạc sĩ A.T đã không gửi đơn lên trên như tâm tình qua cuộc điện thoại nghiệt ngã ấy, mà đàng hoàng nhận giải thưởng cho mình.
Cái danh giấy tờ văn bản
Liệu có hay không sự xét duyệt theo kiểu thân quen, chui lủi, thổi phồng thành tích, tô son trát phấn cho nhau?
Năm nhạc sĩ đi kiện hội đồng xét giải Âm nhạc cấp cơ sở
Hay là các nghệ sĩ hãy hiểu rằng giải thưởng chỉ là một giá trị chứ không phải là tất cả. Đối với người nghệ sĩ, sự yêu mến, ghi nhận sâu sắc, bền vững trong lòng công chúng mới là quan trọng nhất, như chính trong đơn của các nhạc sĩ cũng thừa nhận rằng “tác phẩm đang sống trong lòng công chúng suốt nhiều năm qua”. Đạt được điều đó, thì giá trị nghệ thuật (hoặc nói khác đi là cái danh) sẽ vượt qua thời gian, thậm chí còn lại mãi mãi với nhân gian, kể cả khi thực thể vật chất là người nghệ sĩ đã không còn, chứ ôm tấm bằng ghi công về treo lên tường để dọa… cán bộ phường rồi sẽ mục nát, hoặc để ghi thêm vào lý lịch cho đầy chật vài trang giấy thì ý nghĩa gì?
Ham hố cái danh kiểu giấy tờ văn bản này, chắc chắn không chỉ khán thính giả mà ngay cả nhà chuyên môn cũng phải mở lại hồ sơ, tài liệu, bản lưu trữ thì mới nhớ ra được ông A bà B đã từng giành giải ấy năm nọ. Như thế, liệu có đáng để các nghệ sĩ “chiến đấu”, tranh giành, cãi lộn hay không?
Khán thính giả có bao giờ tưởng tượng được các nghệ sĩ mà họ hằng yêu mến và hình dung biết bao điều tốt đẹp qua khuôn hình, vần thơ, điệu nhạc, lời ca tiếng hát chắp cánh cho thế giới mộng mơ, trong thực tế cũng có đầy đủ các thủ đoạn tinh vi để đối chọi với nhau, nâng người này lên, dìm người kia xuống, “đánh hội đồng” nếu cần.
Không lẽ, nhắc đến các nghệ sĩ, đành lòng chặc lưỡi “Chữ tài liền với chữ tai một vần”.
Hòa Bình