- Đúng 20 giờ sau khi xảy ra vụ chìm tàu nhà hàng nổi Dìn Ký, bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, lực lượng cứu hộ - cứu nạn tại hiện trường đã đưa lên bờ 15 thi thể.

Toàn cảnh vụ chìm tàu
Vụ tai nạn chìm tàu kinh hoàng xảy ra vào chiều tối 20/5 đã làm 16 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, người nước ngoài.


Trắng đêm “quần nát” đoạn sông

Trung úy Huỳnh Văn Tuấn – Đội phó Đội cứu hộ - cứu nạn, Phòng cứu hộ - cứu nạn, Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM  đã kể với PV VietNamNet về 20 tiếng vất vả trên sông Sài Gòn tìm kiếm thi thể 15 mất tích (thi thể thứ 16 được tìm thấy rạng sáng 23/5).

Theo lời Trung úy Tuấn, khi vừa hay tin, đúng 21h đêm 20/5, 18 cán bộ chiến sĩ đã có mặt tại hiện trường, do Thượng tá Đỗ Quang Tách – Phó trưởng phòng Cứu hộ - cứu nạn của Sở này làm chỉ huy chính.

Lực lượng cứu hộ - cứu nạn ăn ngủ tại hiện trường để nỗ lực trục vớt thi thể người bị nạn 1 cách nhanh nhất có thể
Ngay trong đêm, lực lượng hàng trăm người của các cơ quan chức năng thuộc tỉnh Bình Dương cũng có mặt.

“Chính giai đoạn đầu tiếp cận hiện trường đó, thông tin từ lời kể của những người may mắn thoát chết rất lung tung vì tinh thần bấn loạn, người dân địa phương thì chỉ chỗ này, rồi chỗ khác, nên khó khăn ban đầu là công tác xác định vị trí tàu chìm” – vị đội phó của đội người nhái chuyên nghiệp khẳng định.

Do đó, ngay trong đêm, lực lượng người nhái chia làm nhiều tổ để rà soát từng mét sông (bề ngang con sông này hơn 400m) nhưng vẫn chưa thấy tín hiệu gì.

Lực lượng thuộc Lữ đoàn công binh 25, Quân khu 7 cùng nhiều máy móc trang thiết bị mang đến hiện trường sáng 21/5
Lúc đó, đoạn sông đã bị “quần nát” một nửa hướng phía bờ tỉnh Bình Dương. Thời điểm 2h sáng 21/5, đội người nhái chuyên nghiệp do Trung úy Nguyễn Chí Thành (chỉ huy tổ lặn) đã tiếp tục chuyển sang lặn mò nửa sông phía bờ thuộc ấp 4, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn.

Trung úy Tuấn kể “một số người nhái chuyên nghiệp của chúng tôi ngâm người hàng giờ dưới nước lạnh cóng và bị dị ứng ngứa ngáy, nhưng vẫn đều đặn từng tổ luân phiên lặn xuống sông”.

Tiếp đó, vào thời điểm rạng sáng, lực lượng lính tinh nhuệ của Lữ đoàn công binh 25 thuộc Quân khu 7, đóng quân tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cũng đã có mặt tại hiện trường với nhiều trang thiết bị, vật dụng phục vụ công việc tìm kiếm.

Đại úy Lê Văn Hiệp của Lữ đoàn này xác nhận: "Hay tin là chúng tôi đến ngay hiện trường để làm nhiệm vụ". Được biết, thời điểm này này, lực lượng của quân đội cũng dùng ghe nhỏ “quần nát” sông để kiếm vị trí con tàu đã chìm.

Anh Vương Tuấn Anh – cảng vụ viên thuộc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 3 kể khi trò chuyện với PV: "Ngay sau khi tiếp nhận thông tin vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra, Cảng vụ cũng điều động hơn chục cán bộ tức tốc đến hiện trường để phối hợp với lực lượng cứu hộ cứu nạn xử lý hiện trường. Tại ví trí 2 đầu, cách hiện trường nghi vấn ban đầu tàu chìm, các cảng vụ viên đã làm nhiệm vụ hướng dẫn tàu thuyền qua lại để không làm ảnh hưởng đến công tác cứu hộ - cứu nạn, tìm kiếm nạn nhân mất tích".

Thi thể mẹ con chị Tương – cháu Đạt được vớt lên nhiều người có mặt tại hiện trường không kiềm được nước mắt.
Đến chiều 22/5, khi lực lượng tại hiện trường hoàn tất việc trục vớt con tàu bị nạn thì Vương Tuấn Anh và một số đồng nghiệp vẫn túc trực tại đây.

Trước đó, sáng 21/5, lực lượng cứu hộ - cứu nạn tại hiện trường đã xác định được vị trí nơi tàu BD – 0394 bị chìm. Lúc này các người nhái chuyên nghiệp đã gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận con tàu đang chìm dưới nước; nhưng Thượng tá Đỗ Quang Tách nhận định: Dòng nước đang chảy xiết, nếu người nhái chui vào bên trong sẽ bị kẹt không thể ra được, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Do đó, lực lượng cứu hộ - cứu nạn đã đánh dấu vị trí tàu chìm để họp bàn phương án.

Máu hòa nước mắt, nước sông

Sau 1 đêm vất vả, 18 cán bộ chiến sĩ thuộc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đã mệt lả người đã được chỉ huy hiện trường cho nghỉ ngơi tại chỗ.

Hơn 9h sáng 21/5, 35 cán bộ chiến sĩ được điều động từ TP.HCM xuống viện trợ cùng với nhiều phương tiện lặn, máy nén khí để phục vụ việc lặn tìm lâu dài, dự báo sẽ không ít hiểm nguy.

Trung úy Huỳnh Văn Tuấn kể: “Lúc đó con số nạn nhân được báo cáo sơ bộ là 15 người, do đó người nhái đã tức tốc chia làm nhiều tổ, mỗi tổ 4 – 5 người liên tục lần tìm ở mũi và đuôi tàu để tìm đường chui vào bên trong. Nhưng lúc này bàn ghế, vật dụng bên trong tàu ngổn ngang nên người nhái không chui vào được”.

Lực lượng cứu hộ - cứu nạn vẫn đang quần nát đoạn sông

Theo đó, một phương án được đưa ra là phá cửa sổ. 5 người nhái lại lặn xuống phá cửa sổ tầng 2 của nhà hàng nổi, chui được vào nhưng lại không tìm thấy nạn nhân nào bên trong.

Và trong lúc phá cửa sổ để chui vào thì một số người nhái đã bị kính mi-ka gây thương tích, máu đã chảy trên đoạn sông… tử thần. Thế nhưng, Trung úy Tuấn chỉ khiêm tốn: “Nghề lạ vậy! thương tích chẳng đáng là bao!”.

Tổ này chui lên, 5 người nhái tổ khác lại chui xuống để tiếp tục phá cửa sổ ở tầng 1. Nhưng khó khăn tiếp tục xuất hiện khi cửa sổ ở đây lại bị khung gõ lan lan can tàu án ngữ.

Một bất ngờ khác là 11h trưa 21/5, dòng nước đổi ngược, tàu đang chìm bị dựng đứng dưới lòng sông và lật úp. Do đó, đội người nhái được lệnh rút lên khỏi mặt nước, chờ định hình con tàu để tránh thương tích có thể xảy ra trong quá trình tìm kiếm nạn nhân.

Cha ruột của nạn nhân Phạm Xuân Khánh đang sục từng mét sông để tìm thi thể con trai của mình.
Sau đó, bằng cách cũ, người nhái đột nhập vào trong khoang tầng 1 của tàu. Một cảnh tượng đau lòng mà có lẽ Trung úy Nguyễn Chí Thành và đồng đội không thể nào quên suốt cuộc đời làm lính cứu hộ cứu nạn – của mình. Đó là hình ảnh mẹ con chị Trần Thị Tương (SN 1980) và cháu Quách Hồng Đạt (SN 2008, chủ nhân của buổi tiệc sinh nhật định mệnh) đã ôm chặt vào nhau lúc chết.

Trung úy Thành đã đưa 2 mẹ con lên mặt nước. Anh và các đồng đội đang có mặt trên các tàu cứu hộ - cứu nạn đã không kìm được nước mắt.

Sau đó, dàn người nhái chuyên nghiệp được bố trí thành một dây chuyền để chuyển từng thi thể nạn nhân lên bờ. Cát bùn vùi lấp, bàn ghế vật dụng trong tàu đè lên thi thể nạn nhân… gây cản trở, nhưng không ảnh hưởng đến quyết tâm đưa nạn nhân xấu số lên bờ một cách nhanh nhất có thể của lực lượng cứu hộ - cứu nạn.

Đến 15h10 chiều 21/5, cả thảy 15 thi thể đã được đưa lên bờ. Nhưng lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn chưa thở phào được, vì vẫn còn 1 em bé đang nằm đâu đó dưới đáy sông...

Mẹ ruột của nạn nhân Phạm Xuân Khánh ngật lịm khi hay tin

Rất may, sáng 23/5, cháu Phạm Xuân Khánh (SN 2002) cũng đã được lực lượng cứu nạn tìm thấy tại tầng 1 của con tàu tử thần. Thật thương tâm khi thi thể của cháu Khánh đã bị nhiều vật dụng, đồ đạc trong tàu đè lên.

Sau khi đưa cháu Khánh ra khỏi hiện trường, sáng 23/5, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Bình Dương đã tổ chức khám nghiệm tử thi. Sau đó thi thể của cháu Khánh đã được bàn giao cho gia đình an táng.

Như vậy cho đến nay, thi thể của 16 người bị nạn trong vụ chìm tàu Dìn Ký số hiệu BD-0394 đã được tìm thấy hết sau những nỗ lực của cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng cứu nạn - cứu hộ. 

Đàm Đệ

Toàn cảnh vụ chìm tàu
Vụ tai nạn chìm tàu kinh hoàng xảy ra vào chiều tối 20/5 đã làm 16 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, người nước ngoài.