Tất cả những nhân vật trong cuốn "Trong căn phòng một người bại liệt" đều đã khuất núi nhưng người đọc lại vô cùng ám ảnh, nó như vừa gần, ngay cạnh mình. Có khi lại xa, xa như đường chân trời vậy.
Những số phận, từng gương mặt người trong tập ghi chép, chân dung "Trong căn phòng một người bại liệt" của nhà văn Nguyễn Quang Thiều dù có địa vị hay không nhưng khi mất đi, họ đều để lại một thứ gì đó, về sự ấm áp hay giá lạnh. Trong buổi giao lưu ra mắt sách của ông, những người có mặt đã phải "nổi da gà" về những chia sẻ của ông về làng quê của mình, về những người mình đã gặp nhiều lần, những người chỉ gặp một lần,...và dĩ nhiên, tất cả họ đã là người thiên cổ.
Những thân phận đầy ám ảnh Trong căn phòng một người bại liệt |
Tại sao trong cuốn "Trong căn phòng một người bại liệt" ông lại chỉ chọn viết về những người đã mất?
- Tôi thường hay nhớ về những người đã mất bởi một lý do đơn giản nào đó như khi nghe tiếng mưa đêm, khi đi lang thang trên mặt đê làng, khi ngồi một mình trong đêm... Tôi nhớ họ và suy nghĩ về kiếp người mà họ đã đi qua. Khi bố mẹ tôi mất là lúc tôi trở thành một người già trong ngôi nhà của mình. Và bắt đầu tôi viết về họ. Tất cả những nhân vật trong cuốn sách này tôi đều đã gặp, có người chỉ gặp một lần, có những người đã làm chức vụ rất cao. Nhưng tôi không viết về quyền lực của họ, tôi viết về số phận của họ. Bởi tôi nghĩ rằng, mỗi người ra đi sẽ để lại một thông điệp gì đó. Thông điệp của sự sai lầm, thông điệp của sự đúng đắn, thông điệp của giá lạnh và của sự ấm áp.
Bất cứ ai hay kể cả một con chó chạy qua đường cũng để lại cho tôi một câu chuyện. Trong trường ca Lò Mổ, có một chương tôi viết giống như một bản thảo được sửa chữa. Trước đó, tôi nói những điều to tát và phức tạp. Nhưng cứ sửa và cứ sửa, cuối cùng chỉ còn đúng một dòng “Con chó chạy trên cánh đồng ban mai”. Chúng ta nhiều khi viết về những điều quá to tát, nhưng đời sống lại thường rất đơn giản như con chó chạy qua cánh đồng ban mai, cái đuôi nó dựng lên làm tôi xúc động và muốn sống.
Nhân vật nào trong cuốn sách là người khởi sự, để bạn đọc có cơ hội cầm trên tay cuốn "Trong căn phòng một người bại liệt"?
- Bà nội tôi là người đã khởi sự ra việc viết này. Cho nên tôi lấy tên cuốn sách là "Trong căn phòng một người bại liệt". Bà tôi bị liệt và nằm trên giường gần 5 năm trong căn phòng đó. Và cho đến bây giờ, khi nhà tôi đã được xây dựng hiện đại, đi qua căn phòng đó, tôi lại nghe thấy giọng nói bà tôi vang lên với những câu chuyện ma bà kể và lúc nào tôi cũng cảm nhận mùi thuốc bắc và nước tiểu của người ốm tràn ngập căn phòng.
Những người đã khuất mà tôi viết đều in trong cùng một cuốn sách. Điều đó làm cho họ trở nên bình đẳng, cả câu chuyện kỳ vĩ, lý thuyết cao siêu và câu chuyện của người bại liệt không biết chữ ở làng quê nghèo có giá trị bằng nhau trong tinh thần sống của nó.
Thế nên trong câu chuyện với con gái tôi cách đây 2 năm, tôi hỏi con gái tôi rằng: Nếu bây giờ thánh thần cho bố được chọn một trong những người thân yêu của bố đã chết sống lại, con biết bố sẽ chọn ai không? Cô con gái 25 tuổi của tôi nhìn tôi và nói: Bố sẽ chọn bà nội. Đúng vậy. Tôi cần bà trở lại trong căn nhà tôi một ngày, nằm lại cái giường đó, vẫn bệnh tật ấy nhưng lại cất giọng nói về câu chuyện đầy bí ẩn và hiện thực của làng quê. Lại được ngửi mùi nước tiểu lẫn mùi thuốc bắc của bà tôi. Tất cả chỉ như vậy.
Chúng ta sống chỉ vì những điều đơn giản như vậy, còn những điều có vẻ cao sang khác có khi lại đánh lừa chúng ta, đi khỏi chúng ta rất xa, nguy cơ chúng ta không có khả năng trở lại chính mình là rất lớn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ đầy xúc động trong buổi ra mắt sách |
Những tác phẩm của ông đa phần lấy câu chuyện, cảm hứng từ làng Chùa bé nhỏ của mình. Làng Chùa, cả những nhân vật trong làng Chùa, có ảnh hưởng tới con người văn của ông như thế nào?
- Làng chùa của tôi cũng giống như nhiều làng quê khác, có đủ và thừa cho tất cả mọi sự sáng tạo và trí tưởng tượng của chúng ta. Cái gì cũng lôi tôi trở lại với làng Chùa. Tôi nghĩ đề không quan trọng, đối tượng không quan trọng. Cái điều anh viết như thế nào mới là quan trọng. Toàn bộ những gì mang tính nền tảng tôi có được trong tâm hồn là được sinh ra từ làng Chùa. Ở đó, tôi đã sống trong suốt tuổi thơ ấu của mình với một nửa đầy hoang dã như côn trùng và một một nửa trong thể thức phong kiến rất nặng nề. Làng Chùa là nơi tôi thuộc nhất, thuộc nhất thì hiểu nhất và tự tin viết về nó.
Tôi đã từng nói rằng Hà Nội là nơi tôi kéo thân xác mình đi qua nhưng làng Chùa là nơi linh hồn tôi trú ngụ.
Làng Chùa bé nhỏ nhưng những bài viết của ông toát lên được những thân phận khác nhau, những tầng lớp khác nhau, chiều sâu văn hoá, nó không còn bó gọn trong làng Chùa, nó như là toàn cảnh của xã hội thu nhỏ vậy?
- Nếu chúng ta không hiểu được ngôi nhà của mình, chúng ta không hiểu được thế giới. Khi chúng ta đi tới tận cùng của một kiếp người, chúng ta chạm đến nhân loại.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương khen cuốn sách từ đầu tới cuối, duy chỉ có mỗi cái tiêu đề thì "chê" vì Nguyễn Quang Thiều Tây quá. Bởi, nhà cổ ngày xưa, lại ở quê thì người ta không gọi là "căn phòng"? Ông có định thay đổi tiêu đề?
- Ý kiến của HS Lê Thiết Cương thật xác đáng. Có nhiều cách gọi nhưng ở quê tôi người ta gọi những căn phòng như vậy là buồng. Nếu tái bản cuốn sách, tôi sẽ đổi thành "Trong căn buồng một người bại liệt".
- Cảm ơn ông về những chia sẻ!
Tình Lê