Ngày hôm nay Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công Thương đã công bố hợp tác với Amazon Global Selling để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.

Thông qua hợp tác lần này, Amazon sẽ giúp những công ty này bán và xuất khẩu sản phẩm của họ thông qua nền tảng Amazon.

Việc hợp tác với những nhà buôn là bên thứ 3 giống như một bước tiền trạm để Amazon chính thức gia nhập thị trường Việt Nam với đầy đủ những dịch vụ mà họ cung cấp.

Trước khi ra mắt toàn bộ nền tảng thị trường và nhà kho tại Australia, Amazon đã giúp người Úc bán hàng hóa ra nước ngoài trên nền tảng này trước. Tương tự như vậy, trước khi chính thức bán hàng tại Brazil, Amazon đã vận hành một nền tảng thương mại điện tử cho bên thứ 3 chuyên bán điện thoại và đồ gia dụng.

Bước đi vào Việt Nam lần này được cho là giống hệt chiến lược trước đó của hãng ở nhiều thị trường. Ban đầu, nó sẽ giúp Amazon xây dựng được sự mối thân thiết, làm quen với người tiêu dùng trước khi giới thiệu "full" nền tảng của họ.

Ngoài ra, bước đi này cũng cho thấy Đông Nam Á đang là tập trung trọng điểm trong kế hoạch mở rộng ra quốc tế của Amazon. Amazon cũng đã ra mắt tại Singapore – thị trường đầu tiên tại Đông Nam Á vào tháng 6/2017 – nơi họ đã cho ra đời toàn bộ dịch vụ gồm cả Prime và Prime Now.

Việc Amazon nhắm tới thị trường Đông Nam Á cũng là điều dễ hiểu. Doanh số bán hàng trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Đông Nam Á được dự tính đạt 88 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ mức 11 tỷ USD vào năm 2017.

Tờ Nikkei nhận định, thời gian tới nếu Amazon cho ra đời "full" dịch vụ tại Việt Nam và xa hơn nữa là toàn bộ Đông Nam Á, họ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ Alibaba tới JD.com. Đặc biệt tại Việt Nam, Lazada – đơn vị đã được Alibaba thâu tóm đang kiểm soát 30% thị phần thương mại điện tử tại trong nước.

JD.com cũng cho thấy sự hứng thú của họ với thị trường này khi đầu tư khoảng 50 triệu USD vào Tiki – một nhà bán lẻ trong nước.