Loại hình điện toán bạn không thể thấy được
Trong vài năm trở lại đây, các công ty công nghệ đã đẩy mạnh tích hợp sâu hơn các nền tảng điện toán vào đời sống thường ngày của chúng ta. Một trong những mục tiêu của họ là "đồng hóa" máy tính vào môi trường xung quanh chúng ta, đến mức chúng ta hoàn toàn không để ý thấy mình đang sử dụng chúng!
Được gọi là "ambient computing", những công nghệ này thực hiện quá trình tính toán mà không cần một câu lệnh trực tiếp nào từ người dùng. Theo đúng nghĩa của từ "Ambient" là "trong môi trường xung quanh bạn", những thiết bị "ambient computing" được tích hợp sâu vào môi trường xung quanh đến mức bạn không còn cảm nhận được chúng nữa. Nó có sự khác biệt lớn so với smartphone và smartwatch – những thiết bị mà chúng ta phải chủ động mang chúng trên người mới sử dụng được.
Hầu hết các hệ thống điện toán đều dựa vào thao tác nhập liệu chủ động từ con người. Ví dụ, nếu bạn muốn tìm lịch chiếu phim trên điện thoại, bạn phải gõ tên phim và tên rạp phim vào ô tìm kiếm Google. Nếu bạn muốn nhiệt độ trong nhà mát hơn, bạn phải tự điều chỉnh điều hòa nhiệt độ đến nhiệt độ mong muốn bằng một cái điều khiển từ xa hoặc qua một ứng dụng di động.
Mục tiêu của ambient computing là xóa bỏ sự tương tác vật lý giữa bạn và máy tính. Thay vì chủ động thiết lập hay tương tác với thiết bị, bạn sẽ tương tác với môi trường xung quanh, và các thiết bị sẽ phản ứng lại hành động của bạn. Ví dụ, với một máy điều nhiệt thông minh sử dụng công nghệ ambient, thiết bị sẽ đánh giá căn phòng và những tương tác của bạn với nó để điều chỉnh nhiệt độ khi cần thiết.
Ambient computing sử dụng kết hợp nhiều công nghệ khác nhau, bao gồm theo dõi chuyển động, nhận dạng giọng nói, cử chỉ, wearable, và trí tuệ nhân tạo để đạt được mục tiêu đó.
Ambient computing ngày nay
Các loại loa thông minh và trợ lý giọng nói cá nhân mà hàng triệu người đang sử dụng trong nhà là ví dụ phổ biến nhất về các thiết bị ambient computing. Chúng ta không chủ động tương tác với Alexa hay Google Assistant theo cách chúng ta vẫn làm với các thiết bị khác.
Với nhiều người, yêu cầu một trợ lý thông minh bật đèn, đọc bản tin đầu ngày, hay chơi một bài nhạc là điều rất bình thường trong cuộc sống thường ngày. Thay vì nói vào một thứ gì đó, bạn chỉ cần nói vào thinh không. Đó là lý do vì sao hầu hết các loa thông minh đều có ngoại hình khá bình thường – bạn chẳng cần đề ý đến chúng làm gì!
Nhiều gia đình còn lắp đặt các cảm biến ánh sáng để phát hiện chuyển động. Ngay khi có ai đó bước vào nhà, đèn trong phòng khách sẽ bật lên.
Bạn hẳn nghe nhiều về thuật ngữ "Internet of Things" (IoT). Nó đề cập đến mạng lưới giữa các vật thể, cho phép chúng truyền tải dữ liệu sang một vật thể khác. Ví dụ, nếu bạn có một vài món đồ gia dụng thông minh, bạn có thể dùng một chiếc smartphone đã kết nối với chúng, hoặc một trợ lý giọng nói, để bật chúng lên và tinh chỉnh các thiết lập của chúng. Một chiếc tủ lạnh thông minh sẽ có thể nói cho bạn biết nhiệt độ của từng ngăn, cũng như vị trí tối ưu để trữ một loại thức ăn cụ thể.
Để các thiết bị có thể hòa nhập một cách mượt mà, chúng phải giao tiếp với nhau, và IoT làm điều đó trở nên khả thi. Chiếc smartphone của bạn sẽ kết nối đến hệ thống đèn, cảm biến ánh sáng kết nối đến chuông báo thức… Với sự hỗ trợ của AI, các thiết bị này có thể định hình hành động của chúng dựa trên hành vi của bạn.
Ambient Computing trong tương lai
Trong tương lai, chắc chắn ambient computing sẽ trở nên phổ biến hơn nữa. Nhiều thiết bị hiện đã có thể cho biết thời điểm bạn thức dậy. Trong tương lai, các thiết bị thông minh sẽ có thể mở rèm cửa và đánh thức bạn bằng ánh sáng tự nhiên thay vì chuông báo thức.
Ngay khi bạn bước vào phòng khách, một cảm biến sẽ phát hiện ra sự hiện diện của bạn, và loa sẽ bắt đầu đọc tin tức mới trong ngày cho bạn. Đó là những ví dụ về ambient computing, và nó đã tồn tại quanh bạn, trong nhiều loại thiết bị thông minh mang công nghệ điện toán vào môi trường bạn đang sống.
Nhiều nhà sản xuất phần cứng hiện đang tích hợp ambient computing với cả triết lý marketing lẫn thiết kế. Samsung, công ty hàng đầu thế giới về công nghệ thông minh, gọi hệ điều hành smarthome của hãng là "Project Ambience".
Google cũng hào hứng bước vào cuộc chơi ambient computing. Công ty nhiều khả năng sẽ mở rộng dòng sản phẩm phần cứng với nhiều thiết bị mới, nhằm bổ sung cho loạt dịch vụ tích hợp hiện nay.
Minh.T.T