- Trong xóm tôi có một người chuyên trộm cắp tài sản của người khác, rồi lấy tiền tiêu xài, mỗi lần trộm vặt khoảng vài trăm đến 2 triệu đồng, nhưng trộm hàng chục lần nên số tiền rất lớn.

Gia đình người đó biết chuyện nhưng không khuyên nhủ con cái, thậm chí còn phản kháng như chửi bới, đe dọa đánh đập nếu có ai nói hay đòi đi kiện. Hiện tại chúng tôi rất bức xúc nên muốn đưa đơn kiện lên tòa án. Xin hỏi luật sư nếu có đủ bằng chứng thì phải làm những thủ tục nào để kiện? Bố mẹ người đó bênh con trai mình thì có phạm tội không?

{keywords}
Người đó trộm cắp vặt nhưng nhiều lần nên số tiền khá lớn (Ảnh minh họa)

Thứ nhất: Hành vi trộm cắp vặt nhiều lần.

Theo như bạn trình bày thì người kia có hành vi trộm cắp tài sản nhiều lần với giá trị tài sản từ vài trăm nghìn tới hai triệu đồng. 

Điều 138 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 có hiệu lực đến 30/6/2016 quy định như sau:

“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.”

Thông tư 02/2001/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP tại phần 2 khoản 5. “Trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án nhưng chưa được xoá án tích...), đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu:

a) Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian. 

b) Việc thực hiện các hành vi xâm phạm sở hữu có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu mà có làm nguồn sống chính.

c) Với mục đích xâm phạm sở hữu, nhưng do điều kiện hoàn cảnh khách quan nên việc xâm phạm sở hữu phải được thực hiện nhiều lần cho nên giá trị tài sản bị xâm phạm mỗi lần dưới 500 ngàn đồng.

Cần chú ý là trong các trường hợp trên đây nếu chỉ căn cứ vào các hành vi xâm phạm cùng loại này thì không áp dụng tình tiết tăng nặng "phạm tội nhiều lần" (điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS) và cũng không áp dụng tình tiết định khung hình phạt "có tính chất chuyên nghiệp" quy định tại khoản 2 của điều luật tương ứng quy định về tội phạm tương ứng đó. Trong trường hợp có tình tiết khác định khung hình phạt thì áp dụng khoản tương ứng của điều luật tương ứng có quy định tình tiết định khung hình phạt đó.

Nếu các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều 138 BLHS hiện hành.

Thứ hai: Quy định về không tố giác tội phạm.

Điều 314 Bộ luật hình sự hiện hành quy định về Tội không tố giác tội phạm như sau:

“1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 313 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.”

Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp thì nếu người không tố giác là bố, mẹ ruột của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người đó phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, theo Khoản 4 Điều 138 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009, có hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Trong trường hợp này nếu bố, mẹ người đó đã có hành động can ngăn người đó  phạm tội hoặc có hành vi hạn chế tác hại của tội phạm thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

Tới ngày 01/07/2016 Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực thi hành tại điều 19 khoản 2 quy định về không tố giác tội phạm cũng quy định người không tố giác là ông bà, cha mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm trừ trường hợp không tố giác tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc