Bác sĩ chuyên khoa 1 Lâm Tuấn Phong, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết tăng huyết áp là một bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới. Ở Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên là 27,4%, tức là cứ 4 người có 1 người cao huyết áp.
Riêng tại TP.HCM, theo kết quả điều tra do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM thực hiện năm 2020, tỷ lệ người trưởng thành từ 18-69 tuổi mắc tăng huyết áp chiếm 33,1%. Tỷ lệ người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực so với khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới là 42,6% và ăn không đủ rau so với khuyến nghị là 77%.
Tăng huyết áp có thể gây ra biến chứng như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, xuất huyết não, nhũn não, suy thận, các biến chứng về mắt, mạch máu. Biến chứng khiến người bệnh tàn phế và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Bệnh cũng có thể gây tử vong.
Lý giải nguyên nhân tăng huyết áp còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”, bác sĩ Phong cho hay đa số người bệnh không có dấu hiệu cảnh báo trước, hoàn toàn cảm thấy bình thường, do vô tình khám sức khỏe mới phát hiện. Ngoài ra, một số ít người gặp triệu chứng gợi ý như đau đầu, chóng mặt, mặt đỏ bừng, ù tai…
Còn theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hòa, Phó trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, các số liệu cho thấy có khoảng 50% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp. Bên cạnh đó, người được chẩn đoán mắc tăng huyết áp nhưng chưa tuân thủ điều trị cũng chiếm đến 50%.
Theo các bác sĩ, thực hiện lối sống lành mạnh và phù hợp không chỉ là biện pháp chính để phòng ngừa tăng huyết áp mà còn góp phần điều trị bệnh này. Cụ thể, bao gồm các nguyên tắc sau:
Giảm cân ở người thừa cân hoặc béo phì
Tăng cân trong thời gian dài là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh. Nguy cơ này tăng dần ở phụ nữ cao tuổi, sau mãn kinh. Những người béo phì, bụng to (với vòng thắt lưng trên 85cm ở nữ và trên 98cm ở nam) cũng có nhiều khả năng bị cao huyết áp. Vì vậy, cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
Tuân thủ chế độ ăn nhiều trái cây, rau xanh, thực phẩm ít chất béo
Mỗi người nên ăn những loại ngũ cốc thô và nhiều rau xanh, trái cây. Ăn các thức ăn có nhiều chất xơ hòa tan. Không dùng nhiều mỡ và chất ngọt.
Hàng ngày, nên ăn khoảng 55-85g các chế phẩm từ sữa như pho mát, sữa chua… Nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật, các loại dầu thực vật, dầu cá, hạt mè, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân.
Giảm thịt đỏ
Nên ăn nhiều cá, hải sản, giảm các loại thịt đỏ như thịt heo, thịt bò.
Chế độ ăn giảm muối
Nên tuân thủ chế độ ăn giảm muối, giàu kali và canxi. Người dân nên giảm lượng muối trong khi nấu nướng và hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm ở bàn ăn; không dùng các loại thức ăn nhanh, những món ăn công nghiệp vì có lượng muối khá cao.
Hạn chế dùng các loại nước ngọt có gas hay bia vì có hàm lượng natri cao hơn so với nhiều loại thực phẩm công nghiệp. Bột nở, bột nổi, các loại bột làm sủi bọt cũng thuộc nhóm muối gốc natri vì vậy không nên dùng nhiều.
Tăng cường hoạt động thể lực
Tăng hoạt động thể lực làm giảm béo phì. Cần tập thể dục đều đặn ở mức vừa phải như đi bộ nhanh hoặc bơi lội trong vòng 30-45 phút, 3-4 lần/tuần.
Bỏ những thói quen xấu
Ngưng hút thuốc là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh cao huyết áp và các bệnh tim mạch. Ngoài ra, cần bớt uống rượu, không thức khuya hay làm việc quá căng thẳng; nên ngủ ít nhất 7 giờ/ngày và ngủ đúng giờ.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phát hiện sớm tăng huyết áp trong cộng đồng, mỗi người nên nhớ đến việc đo huyết áp như nhớ tuổi của mình. Người bình thường trên 18 tuổi cần đo huyết áp mỗi năm một lần. Đối với người đã được chẩn đoán tăng huyết áp, cần tuân thủ điều trị lâu dài theo chỉ định của bác sĩ và chủ động đo huyết áp đúng cách.