Trung tâm Khuyến nông An Giang cho biết, 9 tháng qua, đơn vị đã tổ chức 31 cuộc hội thảo chia sẻ kiến thức, thu hút 1.550 lượt người tham dự, tập trung vào các mô hình: ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên giống rau (cà chua, dưa leo...); trồng nấm rơm trong nhà bằng nguyên liệu rơm phối trộn với 30% nguyên liệu bông vải; trình diễn các giống đậu (đậu xanh, đậu đỏ…) trên vùng đất lúa kém hiệu quả; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để cải thiện năng suất lúa ở vùng đất sản xuất lúa kém hiệu quả; mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học kết hợp ứng dụng chế phẩm sinh học; nuôi cá lóc trong ao bằng thức ăn công nghiệp kết hợp với nuôi cá trê; nuôi heo rừng lai sinh thái trong vườn; nuôi vịt xiêm trên đệm lót lên men…

{keywords}
Đào tạo nghề qua mô hình khuyến nông, chia sẻ kiến thức. Ảnh minh họa

Để nông dân dễ dàng nắm bắt kỹ thuật cũng như rút kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp thực hiện 46 điểm trình diễn các mô hình mới, thu hút đông đảo nông dân tham gia. Đồng thời, phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức 2 lớp tập huấn cho 60 cán bộ và cộng tác viên của 11 huyện, thị xã, thành phố về kỹ thuật trồng cây có múi, kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh trên một số đối tượng thủy sản (cá lóc, các trê, cá rô phi).

Đối với dự án “Xây dựng và phát triển mô hình chăn nuôi vịt chuyên trứng năng suất cao, có kiểm soát tại các tỉnh Nam Bộ”, An Giang được triển khai thực hiện tại TX. Tân Châu và huyện Thoại Sơn, có 12 hộ tham gia nuôi 3.600 con vịt chuyên trứng. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên tỷ lệ vịt sống đạt từ 93,6-96,8%, tỷ lệ vào đẻ đạt từ 93-93,4%, năng suất trứng bình quân từ 215-230 trứng/vịt mái/năm.

Khi được Trung tâm Khuyến nông quốc gia chọn tham gia “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ hạt giống lúa xác nhận 1 tại các tỉnh vùng ĐBSCL”, Trung tâm Khuyến nông An Giang đã cấp phát 1,6 tấn giống nguyên chủng OM5451 cho 25 hộ nông dân ở huyện Thoại Sơn (An Giang), xuống giống diện tích 20ha. Kết quả thu hoạch cho thấy, năng suất bình quân 6,4 tấn/ha (đối chứng lúa hàng hóa là 6,1 tấn/ha), lợi nhuận trung bình 7,76 triệu đồng/ha, cao hơn 2,36 triệu đồng/ha so đối chứng lúa hàng hóa (lợi nhuận 5,4 triệu đồng/ha).

Đối với dự án “Ứng dụng công nghệ cấy máy trong sản xuất lúa tại một số tỉnh vùng ĐBSCL”, huyện Châu Phú và Tri Tôn được chọn triển khai với diện tích 50ha trong vụ thu đông này. Dự án đã hỗ trợ nông dân mua 1 bộ máy (gồm máy cấy, máy gieo hạt, khay nhựa) và cấp phát giống. Hiện nay, một số diện tích đã cấy phát triển tốt...

Bên cạnh đó, các Trạm Khuyến nông ở các cấp cơ sở cũng kết hợp Trung tâm Dạy nghề huyện, thị xã tổ chức 11 lớp dạy nghề theo đặc trưng kinh tế địa phương.

Ngọc Anh