Triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh An Giang đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác khám, chữa bệnh nhằm nâng cao chất lượng, dịch vụ y tế toàn tỉnh, từ đó góp phần bảo đảm tiêu chí về y tế trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Là địa bàn có dân số đông của tỉnh, điều này đòi hỏi các Trạm Y tế huyện Châu Phú phải đảm bảo đủ năng lực, cơ sở vật chất, cũng như trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ cao cả là chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Với mục tiêu như vậy, nhiều năm qua, Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Phú luôn quan tâm, đầu tư trang thiết bị, chuyên môn nghiệp vụ cho các trạm y tế xã, thị trấn. Đến nay, 100% trạm y tế xã, thị trấn của huyện đều đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030
Là một trong những trạm y tế vừa được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2030, trước đó, Trạm Y tế xã Khánh Hoà cũng đạt và duy trì thường xuyên Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020.
Bác sỹ Đỗ Sơn Hùng, Trưởng Trạm Y tế Khánh Hoà cho biết, phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian qua, Trạm Y tế Khánh Hoà đã xây dựng kế hoạch, đề ra lộ trình thực hiện, phân công từng nhân viên phụ trách 1-2 tiêu chí, nỗ lực tối đa để từng chương trình trong các tiêu chí được thực hiện đạt ở mức cao nhất.
Đơn cử, như trong việc khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, nhất là người cao tuổi, nguòi tàn tật luôn đạt tỷ lệ trên 90%, trong đó, khám BHYT luôn được Trạm ưu tiên.... Đây là kết quả của quá trình nỗ lực nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ được Trạm triển khai thực hiện hằng năm.
Đối với ngành y tế huyện Phú Tân, thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành y tế huyện đã nỗ lực vượt qua và vươn lên để đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, ngành y tế huyện đã tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y tế từ huyện đến xã; tập trung đào tạo sau đại học các chuyên khoa sâu đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân địa phương; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở, đặc biệt tuyến xã; qua đó, đã duy trì tốt hoạt động khám, chữa bệnh đáp ứng cơ bản nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân địa phương ở cả 2 tuyến huyện và xã.
Nhằm góp phần thực hiện Đề án 06 về chuyển đổi số, đồng thời giúp quy trình đăng ký khám bệnh đơn giản, thuận tiện, hạn chế tình trạng quá tải cũng như giảm thời gian chờ đợi của người dân khi đến khám, chữa bệnh, từ đầu tháng 2/2024, Trung tâm Y tế huyện Phú Tân đã triển khai thí điểm hệ thống Kiosk (lấy số thứ tự) đăng ký khám bệnh tự động tại khoa Khám bệnh. Từ khi triển khai hệ thống này, người dân khi đến khám bệnh chỉ cần mang theo CCCD gắn chíp hoặc thẻ BHYT để quét tại máy sau đó lấy số thứ tự đăng ký khám bệnh, lựa chọn phòng khám theo nhu cầu.
Việc tăng cường ứng dụng CNTT vào khám chữa bệnh cũng được ngành y tế huyện chú trọng đầu tư. Đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã triển khai hệ thống đăng ký khám bệnh qua tổng đài điện thoại (1080), lấy số thứ tự tự động, Kiosk đăng ký khám bệnh tự động, xây dựng hệ thống hồ sơ sức khoẻ,… Ngoài ra, trung tâm còn đang triển khai thanh toán không dùng tiền mặt bằng quét mã QR nhằm tiết kiệm thời gian cho người bệnh.
Sở y tế tỉnh An Giang cho biết, năm 2023, thành tích nổi bật của ngành y tế tỉnh đó là đã và đang tiếp tục cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động khám, chữa bệnh, như: Thanh toán không dùng tiền mặt, lập hồ sơ bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe; duy trì và đảm bảo tốt các hoạt động khám chữa bệnh, các bệnh viện duy trì tốt công tác chỉ đạo tuyến, bệnh viện vệ tinh, khám chữa bệnh từ xa; triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế; trong đó, đặc biệt là việc đẩy mạnh triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử (EHR), bệnh án điện tử; đồng thời, tăng cường triển khai thực hiện khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip.
Từ năm 2010-2022, tỉnh An Giang tiến hành hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; hỗ trợ thêm 70% mức đóng thẻ BHYT cho học sinh, sinh viên người DTTS. Kết quả, tính đến năm 2023, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94.21% dân số toàn tỉnh; số lượt khám chữa bệnh đạt 4,2 triệu lượt người; mạng lưới khám chữa bệnh BHYT được tổ chức từ tuyến tỉnh đến tận tuyến xã, góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, cho biết, để phát triển chính sách BHYT bền vững, hiệu quả, mang lợi ích cho người dân và xã hội, tỉnh An Giang tập trung thực hiện các giải pháp phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT đến năm 2025 là 95% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Năm 2024, An Giang tiếp tục triển khai thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân. Đồng thời, tăng cường công tác cải cách hành chính tại khoa khám bệnh, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; bệnh án điện tử, bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy, không sử dụng tiền mặt. Đặc biệt là hoàn thiện Trung tâm điều hành thông minh IOC và cơ sở dữ liệu chuyên ngành t tế tỉnh An Giang.