Nạn ăn xin được số hóa trên TikTok đang trở thành hiện tượng phổ biến ở Indonesia đến nỗi chính phủ nước này buộc phải có hành động kiểm soát.

Theo Oddity Central, Bộ trưởng Văn hóa Indonesia đã yêu cầu các cơ quan chức năng có thêm nỗ lực ngăn chặn tình trạng ăn xin cả trên mạng lẫn ngoài đời. Các nhóm Hồi giáo cũng yêu cầu người dân dừng “ăn xin, xin tiền và hàng hóa miễn phí”, bởi hành động này “hạ thấp danh dự con người” và bị cấm trong đạo Hồi. Tuy nhiên, những nỗ lực trên vẫn không thể ngăn cản làn sóng ăn xin trên mạng, do TikTok có các tính năng tặng quà, đổi quà ảo để lấy tiền thật.

TikTok hiện cho phép những người sáng tạo video có ít nhất 1.000 người theo dõi nhận được quà tặng ảo từ những người theo dõi và sau đó chuyển đổi thành tiền thật. Đây là tính năng có sẵn trên một loạt nền tảng mạng xã hội khác, nhưng chính sự phổ biến của TikTok đã trở thành “mảnh đất vàng” kiếm ăn của những người ăn xin. 

Thay vì rong ruổi hàng tiếng đồng hồ trên các con phố để xin tiền của những nhà hảo tâm qua đường, người ăn mày chỉ cần quay các video thể hiện sự đáng thương của bản thân, sau đó đăng lên mạng và ngồi nhìn tiền đổ về tài khoản. 

Một trong những xu hướng phổ biến kêu gọi lòng hảo tâm của những người ăn xin mà đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi ở Indonesia là đăng các video đổ nước bùn lên người. Một số người ăn xin đổ bùn lên người hàng tiếng đồng hồ, và dường như cách làm này đã mang lại lợi nhuận cao cho họ. Tuy nhiên, Chính phủ Indonesia đã có hành động ngăn chặn bằng cách yêu cầu TikTok xóa các video tắm bùn.

Theo giới chuyên gia, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ Indonesia, xu hướng ăn mày trên TikTok vẫn sẽ tiếp diễn, bởi nhiều người tin rằng việc trực tiếp tặng quà cho người nghèo khổ chính là cách họ làm việc tốt.