- Ông Nguyễn Đức Biền – luật sư được chỉ định bào chữa cho ông Nguyễn Thanh Chấn ở 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm cách đây 10 năm khẳng định: chứng cứ buộc tội vụ án này rất lỏng lẻo, thiếu logic.
Hủy án, điều tra lại vụ ngồi tù oan 10 năm Chiều 6/11, Hội đồng tái thẩm TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao, tuyên hủy bản án phúc thẩm đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. |
Tôi luôn tin anh Chấn không phạm tội!
Theo luật sư Biền, dựa vào các căn cứ pháp luật và hồ sơ vụ án cũng như các phiên tranh tụng thì chứng cứ buộc tội không thuyết phục.
Cụ thể, chứng cứ vụ án mà các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang đưa ra không có gì cả ngoài mấy nhận định không logic. Điều đó được chứng minh: trong thời gian xảy ra vụ án, ông Chấn khai đến nhà một người dân gần đấy múc nước.
Ông Nguyễn Thanh Chấn sau 10 năm ngồi tù |
Quá trình thực nghiệm điều tra cho kết quả thời gian đó chỉ diễn ra trong vòng 15 phút. Thế nhưng, lời khai của nhân chứng lại cho rằng diễn ra trong khoảng 30 phút. Vậy còn 15 phút nữa, ông Chấn đi đâu? Cái này cơ quan chức năng không chứng minh được.
“Điều mà tôi băn khoăn nhất là quá trình thực nghiệm hiện trường, ông Chấn thực hiện rất thành thạo và phù hợp với các chứng cứ khác; miêu tả đồ vật tại nhà nạn nhân rất rõ ràng. Tuy nhiên, tại các phiên xét xử, ông Chấn lại kêu oan, cho rằng mình bị ép cung.
Trong các phiên bào chữa cho bị cáo, tôi đưa ra 2 luận điểm để chứng minh anh Chấn vô tội. Thứ nhất, vào thời điểm xảy ra vụ án, có người chứng kiến ông Chấn có gọi điện thoại tại nhà cho một ai đó (nhà ông Chấn mở dịch vụ điện thoại công cộng). Đó là một chứng cứ ngoại phạm, song sau này không được xem xét.
Thứ 2, theo cáo trạng, quá trình gây án, lưỡi dao bị gãy rơi tại hiện trường, còn chuôi dao sau đó được bị cáo mang vứt ở bãi sắt vụn. Song, tôi đã trực tiếp đi tìm ở bãi sắt vụn đó mà không hề có. Cơ quan điều tra cũng không thu thập được chuôi dao này. Đó là một thiếu sót quan trọng”, luật sư Biền cho hay.
Cũng theo luật sư Biền, trong các phiên sơ thẩm và phúc thẩm, luật sư đã bác lại các chứng cứ trên vì thời gian ông Chấn đi múc nước theo các nhân chứng đều mang tính chất không chính xác, chỉ áng chừng nên căn cứ này không thuyết phục.
Ông Nguyễn Thanh Chấn (phải) cùng Luật sư Biền |
Tại tòa, ông Chấn liên tục kêu oan và cho biết bị ép cung. Khi thẩm vấn ông Chấn, luật sư Biền hỏi: “Vì sao bị cáo không thực hiện mà lại nhận và kể thành thục như trong hồ sơ nêu?”.
Ông Chấn nói: “Điều tra viên họ dạy bị cáo như vậy”. Thậm chí, trong phiên phúc thẩm, thẩm phán đưa ra bức thư ông Chấn viết gửi về cho chị Chiến với nội dung rất kỳ quặc: “Kính gửi vợ! Ở trong này tôi đã nhận tội hết rồi”.
Thẩm phán phiên tòa lý luận rằng, không điều tra viên nào dạy bị cáo viết “Kính gửi vợ” như vậy và HĐXX không chấp nhận việc ông Chấn tố bị ép viết thư cho vợ.
Dù 2 phiên tòa đã kết thúc nhưng luật sư Biền vẫn có cảm giác ông Chấn bị oan. Vì thế, luật sư Biền tiếp tục hướng dẫn gia đình làm đơn kháng án.
Với sự giúp đỡ về pháp lý của luật sư Biền, cùng với 10 năm không mệt mỏi tìm ra thủ phạm chính xác của bà Chiến (vợ ông Chấn), cuối cùng, sự thật cũng đã được làm sáng tỏ. Ông Nguyễn Thanh Chấn được minh oan sau gần 4000 ngày ngồi tù oan nghiệt.
Sự thật được sáng tỏ
Ông Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng Công an xã Nghĩa Trung cho biết, từ những thông tin đứt quãng, chưa thật rõ ràng của một người họ hàng với Lý Nguyễn Chung (nghi phạm mới ra đầu thú về tội mà ông Chấn đang gánh chịu) nói ra, bà Chiến đã âm thầm lần theo từng manh mối, để làm cơ sở minh oan cho chồng.
Cũng từ đây, tất cả những cuộc nói chuyện với người nhà Lý Nguyễn Chung đều được bà Chiến bí mật ghi âm lại. Về nhà, bà Chiến mày mò ráp nối lại các thông tin có được, chân dung nghi phạm ra tay giết hại chị Hoan được dựng lên.
Luật sư Biền cùng người anh đồng hao của ông Chấn - những người bỏ ra 10 năm để đi tìm sự thực của vụ án |
Theo bà Chiến, điều khiến bà nghi ngờ nhất là sau khi vụ án xảy ra, Chung gần như không còn xuất hiện ở làng Me nữa. Tìm hiểu, bà Chiến được biết hiện anh này đã lấy vợ, có con và đang làm ăn sinh sống ở tận Đắk Lắk.
Định cư yên ổn tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk gần 10 năm, Chung tưởng tội ác của mình đã bị thời gian xóa mờ, danh tính cũng được giữ kín bởi ngoài bố và mẹ kế thì không một ai biết sự thật.
Một lần, Chung điện về xin bố đẻ khoản tiền 30 – 50 triệu đồng để đầu tư mua đất đai trong Đắk Lắk, mong muốn mở rộng làm ăn.
Ông Chúc (bố Chung) đem chuyện tiền bạc nói với vợ để nhờ giúp đỡ, nhưng bị từ chối, rồi hai người nảy sinh mâu thuẫn.
Ông Chức thường xuyên đay nghiến và hành hung bà Lành, ép bà đi lo số tiền để gửi cho Chung. Trong một lần bị ông Chức hành hung quá đau đớn, bà Lành bỗng bột miệng chửi bới và moi móc chuyện con trai ông này giết người và bà phải chu cấp cho nó từ A đến Z rồi nên không còn tiền nữa.
Lúc đó, bố bà Lành cùng nhiều láng giềng cũng có mặt. Và danh tính sát thủ thực sự trong vụ án giết người vào tối 15/8/2003 để cướp tài sản bắt đầu lộ diện.
Từ thông tin bị lộ ra trong nội bộ gia đình Chung, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát tối cao cùng các cơ quan chức năng khác đã làm một cuộc điều tra lại toàn bộ sự việc và lấy ý kiến của nhiều nhân chứng. Cuối cùng, chân tướng của kẻ giết người đã được xác định.
Sau nhiều lần được cơ quan chức năng vận động tư tưởng, cuối cùng ông Chức cũng khai nhận toàn bộ hành vi giết người của con mình.
Đến ngày 25/10/2013, sau khi được chính quyền và gia đình khuyên, đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối ngày 15/8/2003 để cướp tài sản.
Văn phòng Chủ tịch nước vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho ông Nguyễn Thanh Chấn.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan tố tụng chỉ đạo điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh người phạm tội và những sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Chấn và báo cáo Chủ tịch nước kết quả giải quyết. |
Hoàng Sang