Doanh nghiệp muốn làm giàu nhanh hơn thì một cách dễ nhất là ăn bớt chi phí cho môi trường, chấp nhận ô nhiễm nặng để mọi người cùng phải gánh chịu. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này sẽ không thể tồn tại được lâu, bởi cái giá họ phải trả vô cùng đắng chát với muôn vàn hệ lụy. Đó là sự tẩy chay của người tiêu dùng, không xuất khẩu được hàng vào các nước có tiêu chuẩn cao và đương nhiên, giá cổ phiếu giảm,...

Nhiều bài học nhãn tiền

Trong giai đầu công nghiệp hóa, con người cứ thi nhau làm giàu bằng nhiều cách khác nhau. Lợi ích riêng của một nhóm nhỏ làm giàu đã bất chấp mọi thứ độc hại thải ra làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, môi sinh của một nhóm lớn phải nghèo đi. Khi cả loài người nhìn ra chuyện như vậy thì như đã muộn, nhưng còn kịp gặp nhau ở cấp độ toàn cầu vào tháng 6/1992 tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED) tại Rio de Janeiro để bàn về hành động chung bảo đảm phát triển bền vững.

Hội nghị này gửi đi thông điệp rằng loài người đã thống nhất nguyên tắc phát triển công nghiệp, mà bản chất là làm giàu, phải bảo đảm bền vững về xã hội và môi trường. Cụ thể hơn, mọi thứ công nghệ gây ô nhiễm phải bị dẹp bỏ, chỉ chấp nhận những công nghệ thân thiện môi trường.

{keywords}
Không đánh đổi môi trường là chủ trương xuyên suốt của Chính phủ.

Mọi Chính phủ đều cam kết đặt lợi ích toàn cầu lên trên lợi ích dân tộc, chính sách không đánh đổi môi trường lấy lợi ích trong phát triển đã được hoạch định, pháp luật về bảo vệ môi trường được xây dựng khá chặt chẽ.

Việc ăn cắp chi phí phải chi cho môi trường thường được thể hiện dước 2 dạng: Một là tự mình không xử lý chất thải mà xả thải trộm thẳng ra môi trường, lấy được toàn bộ chi phí xử lý chất thải; hai là sử dụng "phong bì" để cơ quan quản lý là ngơ trước những hành vi thực hiện chậm, thực hiện sai các giải pháp môi trường, giải pháp công nghệ để ăn cắp chi phí phải chi cho môi trường.

Ở Việt Nam, câu chuyện các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất gây tác động xấu lên môi trường đã xẩy ra ngay từ những ngày đầu công nghiệp hóa. Việc các làng nghề không xử lý nước thải mà xả thẳng xuống đồng ruộng, nguồn nước làm nhiều khúc sông quê bị nhiễm bẩn đã phổ biến ở nhiều vùng quê.

Tiếp theo, nhiều cụm công nghiệp, khu công nghiệp không lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn hay có lắp đặt nhưng không vận hành mà vẫn xả thải trộm, chôn lấp trộm ra môi trường cũng đã rất phổ biến trên diện rộng hơn.

Kể từ khi thu hút mạnh được đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, cũng là lúc câu chuyện ô nhiễm công nghiệp lên môi trường đứng trước nhiều thách thức lớn. Chuyện đầu tiên từ 10 năm về trước bắt chúng ta phải suy nghĩ là việc Vedan xả trộm hơn 100.000 m3 nước thải độc ra sông Thị Vải mỗi tháng. Câu chuyện tiếp theo tại thời gian này năm 2016 là việc xả trộm nước thải độc hại trực tiếp ra biển Vũng Áng của Công ty Thép Hưng Nghiệp Formosa.

Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI ngày càng được thu hút mạnh hơn, nhất là từ các nền kinh tế mới nổi với nhiều dự án quy mô lớn. Đây là những dấu hiệu đáng mừng cho phát triển kinh tế vì họ có tài chính mạnh, công nghệ cao. Mặt khác, các sự cố do Vedan hay Formosa gây ra cho thấy chưa bảo đảm rằng họ có nền tảng văn hóa và đạo đức ở mức cần thiết.

{keywords}
Bài học Formosa là lời cảnh báo cho các DN làm ăn bất chấp.

Doanh nghiệp mất uy tín sẽ mất tất cả

Trong quá trình thực hiện công việc của mình, tôi rất chú ý đến cơ chế tín dụng nhỏ cho người nghèo vay tiền mà không cần thế chấp. Khi mọi người vay tiền đã ký cam đoan thời hạn trả tiền mà đến thời hạn nhưng không trả thì chỉ cần nêu tên trên bảng tin của tổ dân phố. Mỗi người đều có danh dự và vì danh dự của bản thân mà họ đều trả đúng hạn.

{keywords}
GS. Đặng Hùng Võ

Dù bảo vệ môi trường là yếu tố then chốt, nhưng chúng ta cũng không nên phản ứng cực đoan với một số dự án có thể có nguy cơ tác động tới môi trường. Những doanh nghiệp lớn, để giữ thương hiệu, họ không tiếc tiền vào việc xử lý môi trường. Nếu họ có bài toán đầu tư rõ ràng, mức tiền bao nhiêu cho xử lý môi trường, không “ăn quỵt” môi trường thì chúng ta cần công tâm và có phương án thẩm định và quản lý sao cho thật tốt.

Đây là một kinh nghiệm lớn, có thể áp dụng vào lĩnh vực xử lý các tội lỗi môi trường. Tất nhiên, khi sự cố đã xẩy ra thì phải sử dụng pháp luật để xử lý nhằm có kinh phí để khắc phục sự cố. Nhưng điều ta cần hướng đến lại là cách xử lý nào để không xẩy ra các sự cố môi trường. Từ kinh nghiệm của tín dụng cho người nghèo, sử dụng khung đạo đức chính là cách xử lý phù hợp đối với các tội lỗi môi trường.

Mọi dự án đầu tư dù bé hay lớn, nhất là các dự án lớn có độ nhậy cảm cao về môi trường đều phải công khai những yếu tố môi trường liên quan đến dự án như Báo cáo đánh giá tác động môi trường, các giải pháp môi trường, chi phí ban đầu và thường xuyên cho bảo vệ môi trường trên một trang thông tin điện tử tại Trung ương, có thể trên trang thông tin của Tổng cục Môi trường hay của Hội Môi trường. Từ đó, động viên khả năng kiểm tra của các cơ quan nhà nước và giám sát của nhân dân.

Mọi lỗi về bảo vệ môi trường của dự án thu nhận được thông qua kiểm tra, giám sát đều được công khai trên trang thông tin điện tử đó và hàng năm có đánh giá theo thang điểm về đạo đức môi trường. Đây chính là những cơ sở để xây dựng các chỉ số đánh giá đạo đức môi trường, trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp. Đó cũng chính là chỉ số đo về thương hiệu, đo về khả năng thực hiện các dự án đầu tư, được công khai đầy đủ cho cả Việt Nam và thế giới biết. Các chỉ số này được đánh giá ở mức thấp sẽ có tác động làm sụt giảm giá cổ phiếu của họ trên thị trường chứng khoán, một tác động tài chính trực tiếp.

Mọi nhà đầu tư, mọi doanh nghiệp luôn luôn có danh dự của mình, thương hiệu của mình. Mất danh dự và thương hiệu sẽ gây thiệt hại cả tài chính, cái mất lớn hơn nhiều so với việc để xẩy ra sự cố rồi đánh đổi bằng tiền. Cách xử lý bằng khung đạo đức sẽ không cho các nhà đầu tư cơ hội đánh đổi môi trường lấy lợi ích, các sự cố môi trường chắc chắn sẽ giảm mạnh và tiến tới không xảy ra nữa.

Sẽ tẩy chay hàng hóa của doanh nghiệp gây hại cho môi trường

Vào năm 2010, sau khi bị phát hiện xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, bên cạnh việc nộp 127 tỷ đồng tiền phí bảo vệ môi trường truy thu, Vedan đã cam kết chịu trách nhiệm chi trả bồi thường thiệt hại về kinh tế và môi trường. Khi doanh nghiệp này chậm trễ bồi thường cho người dân, hàng loạt siêu thị đã đồng loạt không nhập sản phẩm của Vedan.

Chiều ngày 29/6/2016, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam vì đã gây ra sự cố môi trường khiến hải sản chết bất thường ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam. Doanh nghiệp này phải bồi thường 500 triệu USD. Uy tín và danh dự bị suy giảm nghiêm trọng. Hiện những doanh nghiệp này đã khắc phục. Từ bài học của 2 doanh nghiệp trên, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư lớn, chắc chắn không dám đánh đổi môi trường. 

GS.TSKH Đặng Hùng Võ