Quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ kéo theo các vấn đề nóng về an toàn, an ninh thông tin.
Một nghiên cứu về mức độ sẵn sàng số hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2020 của Cisco vừa công bố cho thấy gần 70% doanh nghiệp trong khu vực đang đẩy nhanh quá trình số hóa do tác động của đại dịch Covid-19. 86% doanh nghiệp được hỏi tin rằng số hóa sẽ giúp phát triển khả năng phục hồi chống lại các cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19.
Các nghiên cứu cho thấy quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đóng góp thêm từ 2,6 – 3,1 nghìn USD vào GDP của khu vực trong năm 2024. Báo cáo của Cisco nhấn mạnh, GDP của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng từ 10,6 đến 14,6 nghìn tỷ USD. Trong đó, quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể chiếm tới 25% mức tăng trưởng này.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực kinh tế tư nhân và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Khối doanh nghiệp này chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp và đóng góp khoảng 47% vào GDP cả nước.
Theo nhận định, doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 và chuyển đổi số hóa của các doanh nghiệp Việt sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình phục hồi và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước sau đại dịch. Theo nghiên cứu của hãng công nghệ này, năm 2020, có 72% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số để đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường.
Ông Hà Thế Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty An ninh An toàn thông tin CMC. (Ảnh: VnExpress) |
Trong quá trình chuyển đổi số đang tác động mạnh mẽ, các doanh nghiệp cần phải chú trọng đến an toàn, an ninh thông tin bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ là một trong những đối tượng bị nhắm đến.
Theo nhận định của các chuyên gia, an toàn an ninh thông tin là yếu tố quan trọng trên con đường phát triển bền vững của các doanh nghiệp số Việt Nam. "Nước ta đứng thứ 46 về chuyển đổi kỹ thuật số nhanh, điều này kéo theo vấn đề an ninh thông tin”, ông Hà Thế Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty An ninh An toàn thông tin CMC chia sẻ tại một sự kiện công nghệ vừa diễn ra tại Hà Nội.
Dẫn số liệu theo thống kê, ông Phương cho biết vào quý I, có 834 nghìn vụ việc lừa đảo, thường nhắm vào các SME tại Đông Nam Á. Bối cảnh dịch Covid-19 cũng thúc đẩy các cuộc tấn công vào doanh nghiệp nhiều hơn. Vị này cũng dẫn số liệu thống kê từ Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho thấy tại Việt Nam, trong năm 2019, 82.5 triệu lượt máy tính nhiễm mã độc.
Theo ông Hà Thế Phương, có 4 lý do khiến tấn công mạng trở nên phổ biến với các doanh nghiệp SME. Trước hết, việc thực hiện dễ dàng, nhất là khi các doanh nghiệp mới thành lập không đầu tư nhiều về đảm bảo an toàn thông tin.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng các hacker muốn sử dụng dữ liệu và tài nguyên từ các SMEs có thông tin, công nghệ mới để phục vụ mục đích.
Thứ ba là cạnh tranh không lành mạnh, khi doanh nghiệp muốn triệt hạ, gián đoạn dịch vụ đối thủ. Cuối cùng là mục đích tấn công vào chuỗi cung ứng từ các hacker. Thay vì tấn công những tổ chức lớn, các hacker đi cửa hậu, tấn công vào các SME cung ứng dịch vụ, giải pháp cho tổ chức lớn này.
Sự chuyển dịch, tăng mối quan tâm về an toàn an ninh mạng trong SMEs trong những năm trở lại đây, theo đại diện CMC, đến từ lợi ích tối ưu chi phí vận hành. Các nền tảng điện toán đám mây có thể khai thác nhiều mô hình kinh doanh phù hợp với các doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn lực chuyên gia của nhà cung cấp dịch vụ, không cần đầu tư trước về hạ tầng, tiêu chuẩn - trách nhiệm của đơn vị cung cấp. Doanh nghiệp cũng tiếp cận tài nguyên, công nghệ mới hiệu quả hơn.
"Về trách nhiệm của doanh nghiệp lớn, cần tạo ra hệ sinh thái dịch vụ, sản phẩm, với giá trị bền vững lâu dài, kết nối các doanh nghiệp SMEs. Đơn cử, những nền tảng như CMC Cloud, nền tảng mở C Open của CMC giúp cung cấp dịch vụ tiện ích, môi trường hỗ trợ các SMEs, doanh nghiệp số", ông Phương chia sẻ.
D.V
Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng 2.0 định hướng an toàn thông tin
Về định hướng phát triển trong Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, Bộ Xây dựng rà soát, cập nhật, phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin thường xuyên và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.