Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Phú Yên và Hội Tin học Việt Nam phối hợp tổ chức trong 3 ngày từ 22/8 - 24/8/2019. Hội thảo dự kiến thu hút hơn 800 đại biểu đến từ các cơ quan Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương, các Tập đoàn, doanh nghiệp CNTT-TT trong cả nước tham dự.
Tích cực đóng góp vào hành trình chuyển đổi số
Với chủ đề “Chuyển đổi số: kết nối, chia sẻ dữ liệu hoàn thiện Chính quyền điện tử”, hội thảo sẽ là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và tạo cơ hội hợp tác phát triển CNTT-TT của tỉnh Phú Yên, các Bộ, các ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước. Sự kiện góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số và kết nối, chia sẻ trong xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 góp phần xây dựng Chính quyền điện tử hiện đại, đồng bộ, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đây còn là cơ hội để các nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, nắm bắt về hiện trạng, nhu cầu, giới thiệu về hoạt động, năng lực của đơn vị mình, tìm kiếm hợp tác, giới thiệu, tư vấn những giải pháp, sản phẩm, kỹ thuật công nghệ mới.
Là nhà tài trợ Vàng, Tập đoàn VNPT tham gia Hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT lần thứ 23 với 2 tham luận: Trục liên thông văn bản quốc gia (Giải pháp nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu VNPT-VXP) và Hệ thống ứng dụng CNTT phục vụ điều hành không giấy tờ VNPT e-Cabinet.
Nội dung tham luận tập trung vào các vấn đề đang được cộng đồng CNTT-TT quan tâm ngay tại Hội thảo là Chính phủ điện tử những thành tựu đạt được, các giải pháp, định hướng năm 2020 và những năm tiếp theo; Cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, kết nối các ứng dụng cấp quốc gia và tại địa phương…
Chung tay xây dựng giải pháp về Chính phủ điện tử
Với kinh nghiệm triển khai nhiều ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực: Chính phủ điện tử, y tế, giáo dục... Trục liên thông văn bản quốc gia do Tập đoàn VNPT xây dựng với công nghệ tiên tiến đã được Văn phòng Chính phủ chính thức khai trương hoạt động vào ngày 12/3/2019. Đây là tiền đề hình thành một Chính phủ không giấy tờ giúp liên thông gửi nhận văn bản điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương và giữa các bộ phận này, nâng cao hiệu suất công việc và tiết kiệm chi phí cho xã hội với trên 1.200 tỷ mỗi năm.
Nhằm đẩy mạnh công tác ứng dụng CNTT trong lĩnh vực chính quyền điện tử, Tập đoàn VNPT đã nghiên cứu và phát triển VNPT e-cabinet thực hiện mục tiêu đổi mới phương thức làm việc, hướng tới Chính phủ không giấy tờ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Chính Phủ và Sở/Ban/Ngành các cấp.
VNPT e-Cabinet là hệ thống văn bản điện tử-ký số điện tử, hệ thống văn bản điện tử-theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ và hệ thống phiên họp không giấy tờ. Ứng dụng được xây dựng chuyên nghiệp và bài bản nhằm mục tiêu giảm văn bản, giấy tờ hành chính trong phòng họp, đẩy nhanh hiệu quả làm việc, tiết kiệm thời gian, chi phí, giúp lãnh đạo đưa ra quyết định kịp thời, nhanh chóng, chính xác, đảm bảo phục vụ công tác điều hành và theo dõi nội dung cuộc họp của lãnh đạo và các đại biểu từ trước - trong và sau phiên họp.
Với những lợi ích thiết thực, giúp giảm 30% giấy tờ, 40% chi phí gửi văn bản hỏa tốc, thư mời họp; đồng thời vẫn đảm bảo tính bảo mật thông tin ở mức cao nhất, VNPT e-Cabinet đã được UBND Tp.HCM đưa vào triển khai khai thực hiện tại kỳ họp thứ 15 HĐND Tp.HCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021.
Song song chuỗi hoạt động hội thảo, gian hàng VNPT cũng gây ấn tượng với những sản phẩm, hệ thống giải pháp: VNPT e-Cabinet- Phòng họp không giấy tờ, Ứng dụng giao việc tức thời, nhắc việc thông minh; Giải pháp Nông nghiệp thông minh- VNPT Smart Argi; Du lịch thông minh VNPT Smart Tourist; Xác thực nguồn gốc hàng hóa VNPT Check; Chuyển đổi số, Chính quyền điện tử và Xây dựng phát triển đô thị thông minh… Trong đó, ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong các lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân, góp phần xây dựng, hoàn thiện Chính phủ số và nền kinh tế số tại Việt Nam.
Ngọc Minh