Chăn nuôi an toàn sinh học đang là mô hình ưu việt, được nhiều trang trại chăn nuôi trên cả nước áp dụng.
Mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ tìm đầu ra, còn giúp giảm thiểu những nguy cơ do dịch bệnh mang đến, giữ vệ sinh môi trường.
Ảnh Văn Quý |
Một trường hợp điển hình trong chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học ở Vĩnh Phúc là anh Tạ Hùng Đậu (SN 1969) – kỹ sư tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp Hà nội.
Anh từng công tác tại Trạm kiểm dịch Động vật Phúc Yên (Vĩnh Phúc) nhưng sau này quyết định chuyển sang làm trang trại, tiếp tục phát triển ngành nghề mình được đào tạo.
Năm 2020, anh vinh dự được tôn vinh là “Nhà khoa học của nhà nông” do Trung ương Hội nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Kỹ sư Đậu chia sẻ, ý tưởng chăn nuôi gia súc, gia cầm sạch với nguồn thức ăn từ thảo dược xuất phát từ khi anh còn làm ở trạm kiểm dịch động vật.
Mỗi lần thấy xe chở gia súc, gia cầm đi qua, gây ô nhiễm, anh đau đáu muốn tìm giải pháp, khắc phục tình trạng này.
Anh hiểu rõ, các mô hình chăn nuôi sử dụng thức ăn cám công nghiệρ được lan rộng, giúp vật nuôi tăng trưởng nhɑnh nhưng đánh đổi nó là những hệ lụу về thực phẩm mà người tiêu dùng không dễ ρhát hiện.
Tình cờ anh đọc một bài báo, thấy số liệu thống kê Việt Nam có tỷ lệ người mắc ung thư rất lớn, trong đó đa số là do ăn phải thực phẩm bẩn. Những con số đó ám ảnh anh nhiều ngày.
Ngoài việc muốn xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, anh hi vọng tìm ra được nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Ý tưởng tạo ra nguồn thức ăn cho vật nuôi từ thảo dược ra đời.
Ban đầu anh áp dụng với mô hình nuôi lợn và thu được nhiều thành tựu. Mô hình nuôi lợn an toàn sinh học bằng thức ăn từ thảo dược của anh Đậu được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng Độc quyền giải pháp hữu ích.
Hiện, anh Đậu đang tiếp tục ứng dụng mô hình này trong chăn nuôi gà.
“Nhu cầu sử dụng sản phẩm gà sạch của người dân rất cao. Nếu nhân rộng mô hình này, tôi nghĩ, là hướng đi đúng đắn”, Anh Đậu nói.
Kỹ sư Đậu khẳng định, chăn nuôi an toàn sinh học sẽ đáp ứng được nhu cầu của thị trường, giải quyết một phần vấn đề thực phẩm bẩn, giúp ngành chăn nuôi Việt Nam hội nhập với thế giới.
Đơn cử như Nhật Bản, Hàn Quốc… gia súc, gia cầm được nuôi nhốt lấy thịt theo mô hình khép kín, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thịt sạch và không có dư lượng kháng sinh.
Tại Việt Nam, cũng có nhiều nơi đã thành công với mô hình an toàn sinh học này. Tuy nhiên, trang trại của anh khác ở điểm là nuôi gà bằng cám thảo dược, thay bằng cám công nghiệp.
Anh Đậu đã nghiên cứu và sáng chế ra loại thức ăn từ thảo dược kim ngân và một số loại thảo dược khác.
Thức ăn sinh học thảo dược anh nghiên cứu có giá thành tương đương hoặc cao hơn không đáng kể so với các loại thức ăn công nghiệp đang phổ biến trên thị trường.
Loại cám thảo dược này các dụng hấp thụ, thải trừ kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium... tồn dư trong vật nuôi, giúp vật nuôi hạn chế sử dụng các loại thuốc kháng sinh.
Đảm bảo thực phẩm an toàn, giảm thiểu 50 – 60% ô nhiễm môi trường và giảm nguy cơ ung thư cho con người, trong khi đó tốc độ tăng trưởng của gà ngang bằng nuôi thức ăn công nghiệp.
Đàn gà nuôi bằng thức ăn sinh học có vị ngọt đậm, tăng cân tốt, chắc, giá thành bán ra thị trường cao hơn 20% so với gà nuôi theo hình thức khác.
Giai đoạn này, anh Đậu đang nuôi thử nghiệm gần 1.400 gà thịt thương phẩm bằng thức ăn sinh học thảo dược.
Qua quá trình nuôi, đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt. Việc nuôi gà bằng thức ăn thảo dược sinh học giúp giảm mùi hôi chăn nuôi đến 40% so với thông thường.
Thành phần thảo dược làm thức ăn cho gà có thể trồng trên đất đồi, nghèo dinh dưỡng, giúp gia tăng nguồn thu cho người dân vùng đồi núi.
Dự kiến đến tháng 8/2021, dự án Ứng dụng và hoàn thiện sản phẩm thức ăn sinh học thảo dược cho gà thịt thương phẩm của anh Đậu có thể nghiệm thu.
Nếu thành công, quy trình sản xuất thức ăn sinh học thảo dược cho gà sẽ sớm được anh Đậu chuyển giao công nghệ ra thị trường.
Hiện nay, mô hình nuôi gà thịt thả vườn theo hướng an toàn sinh học cũng được nhiều hộ chăn nuôi gia cầm áp dụng.
Chị Phạm Thị Thu - (Hoàng Hoa, Tam Dương) nuôi gần 5.000 gà ta lai thả vườn, cung ứng ra thị trường hơn 20 tấn gà thương phẩm mỗi năm.
Theo chị Thu, mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học bằng thảo dược của anh Đậu rất hay. Chị hi vọng sẽ được tiếp cận với công nghệ này sớm.
Hiện trang trại chị cũng áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, nuôi nhốt tập trung kết hợp thả đồi.
Người phụ nữ này nhấn mạnh, chăn nuôi an toàn sinh học giúp đàn gà tăng sức đề kháng, cho chất lượng thịt ngon hơn, bán được giá, lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hàng tuần, chị đều thực hiện vệ sinh, phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại và môi trường xung quanh.
Chị bổ sung men vin sinh vào nước uống và thức ăn, giúp gà tăng sức đề kháng. Nhờ áp dụng mô hình chăn nuôi khoa học, vài năm trở lại đây, trang trại của chị không bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Lê Xuân Công cho biết: Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 40 ổ dịch cúm gia cầm, buộc tiêu hủy hơn 100.000 con gia cầm.
Trong đó, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 7 huyện, thành phố, dẫn đến nguy cơ lây lan và xảy ra trên diện rộng.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch cho đàn gia cầm, trong đó có việc hướng dẫn người dân áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, phun khử trùng, tiêu độc nhằm tiêu diệt mầm bệnh.
Bên cạnh các cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại, tỉnh còn tích cực chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương hướng dẫn, khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, từng bước hình thành vùng chăn nuôi an toàn sinh học quy mô lớn.
Thanh Thủy - Ảnh Văn Quý