Tỉnh Sơn La hiện có 18 dân tộc anh em sinh sống, mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán khác nhau, theo đó, trang phục cũng có những độc đáo riêng với những màu sắc đường nét hoa văn đặc trưng.
Do cùng chung sống trên địa bàn tỉnh Sơn La, một số dân tộc như: Kháng, Khơ Mú, La Ha, Xinh Mun đều có trang phục gần giống với trang phục của dân tộc Thái - dân tộc có số dân chiếm đa số ở tỉnh Sơn La.
Dân tộc Thái ở Sơn La cư trú chủ yếu ở vùng thấp, thuộc địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh. Người Thái có hai ngành là Thái trắng và Thái Đen. Trang phục của phụ nữ Thái được ca ngợi bởi sự đơn giản, duyên dáng và thanh lịch.
Một bộ trang phục phụ nữ truyền thống của người Thái gồm Áo, váy, khăn, thắt lưng, xà cạp và các loại trang sức. (Ảnh tư liệu Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam).
Trang phục không thể thiếu chiếc khăn piêu. Chiếc khăn này được người phụ nữ dày công thêu thùa với những đường nét hoa văn màu sắc rực rỡ. (Ảnh tư liệu Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam).
Chiếc áo ngắn "sửa cỏm" bó sát thân khoe vóc dáng thon thả của người phụ nữ. Sửa cỏm được gắn hàng cúc bạc lấp lánh gọi là mắc kén. Hàng cúc có khắc hoa văn côn trùng, hoa lá như: ve sầu, nhện, hoa mai. (Ảnh tư liệu Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam).
Và đặc biệt, khi mất đi, người Thái đen bắt buộc phải được chôn cùng với khăn piêu. Họ quan niệm: có như thế mới được tổ tiên đón nhận.
Là một dân tộc ít người cư trú tại Sơn La, dân tộc Xinh Mun cũng như một số dân tộc khác có trang phục truyền thống riêng của mình.
Thân áo của phụ nữ Xinh Mun được may thành bốn mảnh, phía sau gồm hai mảnh ghép giữa sống lưng, phía trước là hai mảnh. Cổ tròn, được may thành nẹp ôm xung quanh cổ khi mặc. Dải khuy chạy từ cổ xuống áo, qua vai xuống nách và chạy dọc sườn trái xuống ngang thắt lưng.
Phụ nữ Xinh Mun đội khăn piêu giống người Thái làm bằng vải bông nhuộm chàm. Piêu được trang trí bằng cút ở bốn góc và xung quanh mép. Họ thường trang trí số cút lẻ, mỗi chùm ba cút gọi là piêu cút xam. Ngoài áo, váy, khăn, phụ nữ Xinh Mun còn đẹp vòng tay, vòng cổ, khuyên tai bằng bạc.
Từ xưa, người La Ha không biết dệt vải, họ thường dùng lâm thổ sản, lương thực đổi lấy vải, trang phục của người Thái để mặc nên người La Ha mặc giống người Thái đen.
Trang phục của nam dân tộc La Ha làm bằng vải nhuộm chàm đen, bộ trang phục do người phụ nữ tự cắt và khâu tay, người La Ha có trồng bông dệt vải nhưng sản phẩm làm ra không được nhiều, chủ yếu là trao đổi hàng hóa với dân tộc Thái.
Người Phụ nữ La Ha có chồng cũng búi tóc lên đỉnh đầu giống người Thái đen, đội khăn piêu như người Thái đen.
Người Khơ Mú không có nghề dệt vải, nên thường mua quần áo, váy của người Thái để mặc. Chỉ có nét khác biệt trên trang phục phụ nữ đó là bộ cúc bạc to hình chữ nhật trên áo.
Sắc thái Khơ-mú thể hiện ở trang phục hầu như đã bị phai mờ tuy trang sức của phụ nữ còn có đôi điểm riêng biệt.
Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ người Khơ Mú gồm có: khăn piêu màu đen đội đầu, áo cỏm màu đen với hàng cúc ở ngực, nếu cúc hình chữ nhật thì gọi là "mặc pam”, còn hình con bướm thì gọi là "mặc pem”, ngoài ra còn có dây lưng, váy, xà cạp, chùm cài đầu, bộ xà tích thắt lưng… Khăn đội đầu được may bằng vải đen dài khoảng gần 2 m, rộng bằng một khổ vải hẹp 30 cm.
Phụ nữ dân tộc Kháng cũng tiếp thu tinh hoa văn hóa của dân tộc Thái, bằng quá trình trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm bằng phương pháp phổ thông, người Phụ nữ Kháng đã tự tay khâu cắt được trang phục của mình.
Tại tỉnh Sơn La, đồng bào dân tộc Kháng hay còn có các tên gọi khác là Xá Khao, Xá Xúa, Xá Đôn, Xá Dâng, Xá Hộc, Xá Ái, Xá Bung, Quảng Lâm, cư trú chủ yếu ở các huyện Mường La, Thuận Châu và Quỳnh Nhai.
Là nơi tập trung sinh sống của 18 dân tộc anh em, tỉnh Sơn La có nền văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó nổi bật là các dân tộc thiểu số như dân tộc Kháng với nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc trưng từ ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực đến làn điệu múa hát...