Trong ngôi nhà ở phố Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, kỷ niệm sâu đậm với Đại tướng làm sống dậy trong Anh hùng La Văn Cầu ký ức về trận chiến sinh tử năm nào.
Sau lần gặp Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu tại lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông hôm 12/10, phóng viên VietNamNet tìm gặp lại ông ở nhà riêng.
Ông La Văn Cầu xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 12/10. Ảnh: Cẩm Quyên |
Trong buổi trò chuyện, vị Anh hùng năm nay 82 tuổi kể:
Kỷ niệm của tôi với Đại tướng có
nhiều, nhưng tôi nhớ nhất lần được Người tuyên dương.
Tại buổi lễ tổng kết thắng lợi của chiến dịch Biên giới năm 1950, nhiều anh em
cùng được Đại tướng tuyên dương, trong đó có tôi. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in
lời Đại tướng nói: “Anh La Văn Cầu là lá cờ đầu trong phong trào thi đua giết
giặc lập công”. Đó là kỷ niệm tôi không bao giờ quên.
"Đại tướng là người chỉ huy,
người anh, người có vai trò quan trọng trong cả cuộc đời tôi. Sự ra đi của Người là mất mát lớn của cả dân tộc, để lại nhiều nỗi thương tiếc nhưng tuyệt đối không phải là sự đau đớn. Bởi Người đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh dân tộc và lịch sử giao phó". |
Trận chiến sinh tử
Về trận Đông Khê - trận then chốt mở màn Chiến dịch Biên giới 1950 do Bác Hồ và
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy, ông Cầu nhớ lại:
Trong trận Đông Khê, tôi thuộc trung đội bộc phá gồm 25 người. Mỗi người vào
trung đội này đều là những quyết tử quân, ra chiến trường coi như đã làm lễ truy
điệu sống.
Nhưng đó là nguyện vọng của chúng tôi, chúng tôi muốn được làm nhiệm vụ đó. Tôi
tuy là con 1 nhưng sẵn sàng hi sinh, vì người dân mất nước, phải chịu ách nô lệ
áp bức thì đau lắm.
Trước khi ra trận, tôi đã làm quyết tâm thư với 3 điều. Thứ nhất, chiến đấu đến
giọt máu cuối cùng. Thứ hai, đoàn kết, bảo vệ nhau, cùng nhau hoàn thành nhiệm
vụ. Thứ ba là “nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật chiến trường, chính sách đối với
tù hàng binh” (giặc đã giơ tay hàng thì không được bắn).
Tôi được đại đội phân công phá lô cốt lớn nhất. Quả bộc phá của tôi nặng 12kg,
có thể san bằng một cái lô cốt kiên cố. Đúng 6h sáng 16/9/1950 bắt đầu nổ súng
mở màn trận chiến nhưng chỉ phá được 1/3. Đến ngày 17/9 thì tôi làm nhiệm vụ.
Anh hùng La Văn Cầu tại nhà riêng. Trong số 7 người được phong tặng Anh hùng lao động, Anh hùng quân đội lần đầu tiên năm 1952 hiện chỉ có 2 người còn sống là Anh hùng, Đại tá La Văn Cầu và Anh hùng, Trung tá Nguyễn Thị Chiên. Ảnh: Cẩm Quyên |
Khi đang ôm quả bộc phá chạy, tôi bị hỏa lực địch bắn chéo, sượt vào bên phải và
ngất đi. Lúc tỉnh dậy thấy trời tối đen, tôi thấy má phải sưng to, sờ tay phải
thì thấy bàn tay (đoạn cổ tay) bị dập nát, lủng lẳng.
Lúc đó, quả bộc phá lăn ra cách đó mấy mét, nhiều đồng đội bị thương nặng lắm,
họ hét lên vang rền cả trận địa: “Giết hết chúng nó đi, trả thù cho chúng tôi
với”.
Tôi cố đứng dậy, tranh thủ sức còn lại ôm tiếp quả bộc phá tiến về lô cốt. Nhưng
bàn tay phải lúc đó vướng vào mấy cột dây thép, đau lắm, đau hơn cả lúc bị
thương. Dừng lại kiểm tra xong thì tôi thấy chỉ còn cách phải chặt bỏ đi. Đằng
nào cũng xác định hi sinh rồi, tôi đã chuẩn bị và sẵn sàng rồi chứ không nghĩ
còn có ngày hôm nay ngồi đây nói chuyện với phóng viên đâu. Cho nên tôi nhờ đồng
chí Nông Văn Thêu chặt hộ.
Đồng chí biết tôi là con một nên bảo: “Thôi em về đi cho anh em khác làm”. Tôi
nói: “Chí em đã quyết rồi, không thay đổi”. Với lại lúc đó thế trận cần khẩn
trương, không thể tranh luận cù nhầy được.
Đồng chí Thêu biết tính tôi rồi nên bảo: “Chuẩn bị nhé”. Đồng chí đã dùng lưỡi
lê của Nhật để chặt cổ tay tôi (sau này vết thương hoại tử nên phải cưa lên tận
cánh tay). Chặt xong đồng chí lấy băng của anh em buộc kín lại, làm caro cẩn
thận.
Băng bó xong, tôi ôm quả bộc phá tiến đến lô cốt, đặt quả bộc phá vào lỗ châu
mai. Quả bộc phá có 2 kíp, nguyên lý giật kíp 1 không nổ thì giật kíp 2 nhưng
lúc đó sắp phá được lô cốt địch tôi sướng quá giật luôn cả 2 kíp rồi quay lại
lăn xuống dốc thì quả bộc phá nổ, đẩy tôi bắn ra xa, rơi từ trên cao úp mặt
xuống đất và ngất đi.
Lúc tỉnh dậy tôi không biết mình ở mặt trận hay ở nhà, mê man ngoái đầu nhìn về
phía lô cốt thì thấy nó cháy rừng rực, thấy anh em cắm cờ trên đó thì biết
mình đã hoàn thành nhiệm vụ.
Lúc đó, tôi tranh thủ còn sức, định ôm nốt quả bộc phá thứ hai phá tiếp chiếc lô
cốt bên cạnh. Nhưng không làm nổi, sức đuối rồi. Anh Lý Viết Mưu (sau cũng được
truy tặng Anh hùng) ôm tiếp quả bộc phá thứ hai.
Anh Mưu xác định đằng nào cũng hi sinh nên giật kíp quả bộc phá ở ngay chỗ mình
đang đứng để sao cho khi vừa đến lô cốt thì bộc phá sẽ nổ. Anh hi sinh khi mới
18 tuổi … (nói đến đây, giọng ông Cầu trùng xuống).
Nhưng căn cứ của Pháp có hầm ngầm chứa được hàng trăm quân bên dưới. Ta dùng hết
bao nhiêu hỏa lực mà nó vẫn cứ đánh ra từ bên trong. Lúc này Đại đội trưởng Trần
Cừ (sau cũng được truy tặng Anh hùng) nói lời vĩnh biệt các đồng đội rồi lao vào
lô cốt địch, lấy thân mình bịt lỗ châu mai.
Lúc bấy giờ đồng đội tranh thủ nhảy lên nóc dùng thủ pháo 6 cân đánh bật cửa hầm
ra, rồi lại dùng tiếp một quả bộc phá 24kg để giật tung hầm đó thì mới kết thúc
chiến dịch Đông Khê được.
Tiếc nhất là bị thương quá sớm
Sau chiến dịch Biên giới, người chiến sĩ La Văn Cầu có vinh dự được gặp Bác Hồ ở
chiến khu Việt Bắc. Đến 19/5/1952, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực
lượng vũ trang nhân dân.
Kể từ sau khi bị thương, ông chuyển sang làm công tác tuyên truyền ở Tổng cục
Chính trị. Trong quãng thời gian đó, ông đi học và lập gia đình (năm 1958), sau
đó trở lại quân khu Việt Bắc phụ trách công tác thanh niên, quần chúng.
Năm 1983, ông được chuyển về Hà Nội do điều kiện gia đình (con nhỏ) và trở lại
công tác ở Tổng cục Chính trị, sau đó chuyển về Bảo tàng Quân đội làm công tác
cán bộ, đến 1/8/1996 thì nghỉ hưu.
Anh hùng La Văn Cầu có 4 người con (2 trai, 2 gái) và hiện có 6 cháu nội, ngoại.
Khi được hỏi về cuộc sống riêng của một vị Anh hùng đã đi vào sử sách, ông cho
biết mọi thứ với ông vẫn bình thường, “không có gì đặc biệt so với những gì đã
diễn ra trong quá khứ để có thể chia sẻ”.
Khi được hỏi có điều gì khiến ông còn tiếc nuối (kể cả trong chiến tranh lẫn hòa
bình), ông cho biết điều khiến ông tiếc nhất là bị thương quá sớm, mất nhiều sức
khỏe, không thể tham gia chiến đấu ở những chiến dịch lớn về sau.
Ngày 12/10 vừa qua, ông đã xếp hàng vào viếng Tướng Giáp, từ 2h chiều, và đến
hơn 5 rưỡi chiều mới viếng xong. Khi được hỏi vì sao không thông báo để được ưu
tiên vào viếng trước, ông cho biết: “Nếu nói ưu tiên thì có nhiều người lắm,
mình không làm vậy được”.
Cẩm Quyên