- Dưới miệng cống đen ngòm, ngọn đèn lóe sáng. Người đàn ông với ngọn đèn soi ếch trên đầu gọi lớn : “lấy dây kéo lên chưa?”. Bên trên nhiều tiếng quát tháo, một vài lính cứu nạn đến gần miệng cống...

Ai phát hiện ra thi thể cháu bé trong cống sâu ?

Ngày 9/9, nỗ lực tìm kiếm thi thể cháu bé bị nạn đã khép lại nhưng bên cạnh đó, một câu chuyện mới được mở ra: ai là người đã tìm ra thi thể cháu bé?

Đoạn clip đầy tính nhân văn

Quang cảnh ấy đã ám ảnh tôi nhiều ngày nay sau khi xem trọn vẹn đoạn clip mà đồng nghiệp Tân Châu ở báo Tài Nguyên Môi trường gửi đến.

Sau hàng chục năm trong nghề, lần này tự mình thấy hổ thẹn với chính mình, một sự kiện hấp dẫn đến thế, nhân văn đến thế mà mình lại thiếu vắng.

Đoạn clip ghi lại hình ảnh trong đêm tối, người thanh niên dưới hố ga đầy hiểm nguy vẫn ngụp lặn cố tìm cho được thi thể bé La Văn Tỷ - một đứa bé xấu số ở phường Thuận Giao (TX Thuận An Bình Dương) rơi xuống cống trong cơn mưa trước đó mấy ngày.

{keywords}
Anh Nguyễn Văn Tâm từ dưới cống sâu

Trên miệng hố ga, nhiều cặp mắt của lính cứu nạn, của quan chức địa phương đổ dồn xuống dưới. Bên dưới, một thanh niên đầu đội chiếc đèn soi ếch hô vang: “Ai có bao tay cho xin một cặp. Đụng được nó rồi nhưng mềm quá”. Rồi một cặp bao tay quăng xuống. 

Anh Tân Châu thuật lại: Cái đêm hôm ấy - đúng vào đêm trung thu - anh đang chuẩn bị đưa các con anh đến phố lồng đèn vui chơi, bất ngờ nhận được cuộc gọi của bạn đọc báo tin. Thế là vứt hết, một mình một xe anh vượt gần 30km thẳng đến hiện trường.

Qua một bãi lầy do bị đào bới mấy ngày nay, anh tiếp cận. Trời tối đen. Tất cả chỉ nhờ vào những ngọn đèn pin cầm tay. Nơi đây khá đông người. Ai nấy cũng quần xắn ống lên cao ngoại trừ một số lính cứu nạn trang bị kín từ đầu đến chân với bình dưỡng khí trên lưng, mặt nạ trên mặt. Tất cả đều căng thẳng như dây đàn.

Khoảng 30 người đang chụm đầu nhìn xuống một miệng cống – nơi thợ lặn đang tìm kiếm. Nước dưới cống chảy rất xiết. Ông Trần Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đứng áp sát miệng cống chỉ đạo liên tục. 

{keywords}
Mẹ cháu Tỷ đến nhận dạng con. Bên cạnh là ông Trần Văn Nam - PCT tỉnh.

Khi ở dưới cống có tiếng báo lên phát hiện một đoạn nước cống chảy yếu có khả năng bị nghẽn, ông Nam chỉ đạo lực lượng lên bờ và tìm đoạn cống đó. Nhưng khi người nhái chưa kịp xuống, từ hố cống khác giọng nói của một người đàn ông vang lên báo tin đã tìm được xác một người. Mọi người đổ xô đến. . .

Người đàn ông đó chính là anh Nguyễn Văn Tâm. Anh là người phát hiện ra thi thể bé Tỷ đầu tiên và duy nhất. Nhìn xuống cống, anh Tâm chỉ có mỗi chiếc đèn soi ếch trên đầu. Bộ quần áo anh ướt sũng. Mùi hôi tanh từ dưới hắt lên nhưng trong nỗi khổ ải đó gương mặt anh rạng rỡ. Nụ cười lóe trên môi . . .

Mọi việc được diễn tiến tốt đẹp sau đó. Bé Tỷ được đưa lên trên. Mẹ cháu đến nhận dạng rồi đưa xác cháu lên chiếc xe cứu thương đậu gần đó. Chiếc xe chuyển bánh... mọi người ở lại thở phào nhẹ nhõm. 

Cái giá của 3 ngày lặn ngụp được đền bù. Ngay tại đây - đã gần 1 giờ sáng - ông Nam lấy ra 10 triệu đồng trao cho thượng tá Vũ Thanh Tâm, người trực tiếp chỉ đạo tìm kiếm để gọi là thưởng nóng bù đắp công sức anh em bỏ ra. Ở một góc khuất, anh thợ hồ Nguyễn Văn Tâm lẳng lặng thu xếp đồ đạc về nhà.

Xóm vắng ăm ắp tình người

Chiều 10/9, chúng tôi trở lại xóm trọ trong con hẽm nhỏ trên đường 22/12. Xóm vắng. Giờ này mọi người đang trong xí nghiệp, cơ xưởng vất vả mưu sinh. Căn phòng trọ của vợ chồng anh Tâm đóng kín. . .

Một cụ già chỉ cho chúng tôi căn phòng bên cạnh rồi kể : “Cha mẹ vợ nó ở đó. Hai ông bà từ quê An Giang lên đây phụ nó trông coi 2 đứa con. Nó làm thợ hồ, vợ nó làm công nhân. Lấy nhau 10 năm được 3 mặt con thì không may đứa con gái đầu bị bệnh não bẩm sinh. Làm bao nhiêu cũng không đủ tiền chữa bệnh cho con”. 

{keywords}
Đưa thi thể về nhà xác

Nhắc lại chuyện anh Tâm lao xuống cống tìm xác bé Tỷ, cụ nói : "Ở đây ai cũng biết, nó mới chính là người tìm ra thằng Tỷ đầu tiên. Những ngày chưa tìm được nó trăn trở lắm. Đứng ngồi không yên, hễ đi làm về là nó ra đó.

Nó có xin mấy người ở đó tham gia nhưng bị từ chối. Không hiểu sao cái đêm hôm ấy, nó lẻn xuống cống bất chấp mọi hiểm nguy để cố tìm cho được thằng nhóc . . .”

Rồi từ từ cụ nói tiếp: "Xong rồi thì thôi. Có gì nữa đâu mà anh hỏi. Người nghèo chúng tôi không màng tới chuyện công lao. Chỉ cần biết sống với nhau, hoạn nạn vui buồn có nhau là được rồi.

Mấy ngày trước chưa tìm ra xác con, mẹ thằng Tỷ chết đi sống lại. Ai mà không đau buồn? Thằng Tâm đi khắp nơi vận động quyên góp giúp đỡ gia đình bị nạn. Cái nghĩa cái tình mới là điều đáng quí. Nó cũng có khá hơn ai đâu nhưng giúp được gì trong khả năng là nó giúp". 

Bùi ngùi chia tay cụ, chúng tôi ra về. Trên đường về, trời đã xế chiều, chúng tôi ghé vào một quán giải khát bên đường. Mở chiếc điện thoại ra xem, trên mạng báo Binh Dương online vừa đưa tin cảnh sát PCCC Bình Dương khen thưởng đột xuất các tập thể, cá nhân trong công tác cứu nạn cứu hộ. 

{keywords}
Trao thưởng tại hiện trường. Người nhận, thượng tá Vũ Thanh Tâm, trưởng phòng 2 (ảnh cắt từ clip)

Trong bản tin còn nêu bật những khó khăn trong lúc tìm kiếm: “Do hệ thống cống có nhiều đường ngang, kéo dài phức tạp, dòng nước chảy xiết với nhiều khí độc, lại không có ánh sáng. Dưới cống sâu có nhiều bùn đất, rác lấp kín, các chiến sĩ cứu nạn cứu hộ rất vất vả di chuyển tìm kiếm.

Nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt và trực tiếp của UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu hộ hoàn thành nhiệm vụ sau 39 giờ tìm kiếm.

Trong khi các chiến sĩ cứu nạn được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt và trực tiếp từ lãnh đạo thì anh Tâm chỉ có tình đồng hương của những người xa xứ về đây mưu sinh thúc giục anh quên mình tìm cháu Tỷ . . ."

Âu đây cũng là điều đáng để suy gẫm.

Xem clip (Thực hiện: Tân Châu):


Trần Chánh Nghĩa