Anh là một thị trường truyền thống đối với xuất khẩu giày dép của Việt Nam. Chính vì thế mà khách hàng Anh cũng đã khá quen thuộc đối với mặt hàng này nhưng đây vừa là yếu tố thuận lợi nhưng cũng là thách thức khi thị trường này chúng ta đang duy trì xuất khẩu ở mức ổn định.

W-dagiaydetmay.png

Ngay khi Anh vẫn còn trong khối EU thì tỷ trọng của thị trường Anh cũng đã chiếm 25 - 30%. “Cũng rất may khi Anh rời khỏi EU, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ký hiệp định trực tiếp với thị trường Anh và chính vì thế mà xuất khẩu của ngành da giày vào thị trường Anh không bị gián đoạn”- bà Xuân cho biết.

Hiệp định UKVFTA đang trong quá trình thực thi với nhiều cam kết ưu đãi về thuế quan đối với hàng hoá xuất khẩu trong đó có da giày. Vì vậy, thời gian tới ngành da giày muốn nắm bắt cơ hội phát triển thị trường nhờ Hiệp định UKVFTA cũng như phải giải quyết được vấn đề xuất xứ trước các tiêu chuẩn, yêu cầu cao của thị trường đang là vấn đề hết sức quan trọng.

Bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của doanh nghiệp, ngành hàng để đáp ứng đòi hỏi của thị trường, sự hỗ trợ từ các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương được đánh giá là có vai trò quan trọng, tác động tích cực đến việc tận dụng UKVFTA đối với ngành da giày. Bởi, theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), xu hướng sắp tới không chỉ với châu Âu, Mỹ hay là Anh thì vấn đề truy xuất nguồn gốc đối với nguyên vật liệu sẽ ngày càng đặt ra một cách gay gắt, cùng với đó là các quy định về phát triển xanh, bền vững.

Lương Bằng và nhóm PV, BTV