Áp dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử của CQNN đạt tỷ lệ cao

Theo số liệu của ục chứng thực số và Bảo mật thông tin – Ban Cơ yếu Chính phủ, tính đến tháng 9/2018, số lượng chứng thư số chuyên dùng được triển khai đã là 120.000, gấp gần 3 lần so với thời điểm năm 2015 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Đánh giá về hiện trạng triển khai chữ ký số cho văn bản điện tử của cơ quan nhà nước,  Cục chứng thực số và Bảo mật thông tin – Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, qua số liệu tổng hợp, khảo sát và kết quả công tác kiểm tra đánh giá hàng năm, việc ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cung cấp đã phát huy hiệu quả trong công tác điều hành, tác nghiệp và trao đổi văn bản điện tử tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Cụ thể, ở cấp bộ, ngành, việc áp dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử đạt tỷ lệ rất cao (có nhiều cơ quan đạt trên 95%), tiêu biểu là Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải…

Còn tại các địa phương, tỷ lệ văn bản điện tử áp dụng chữ ký số trên tổng số văn bản điện tử trao đổi trên môi trường mạng đạt cao, điển hình là các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thái Bình, Lào Cai, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Hà Giang, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đồng Tháp…

“Hầu hết các cơ quan, đơn vị đều đã ban hành quy định ứng dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử với các loại văn bản hành chính như công văn, thông báo, giấy mời, kế hoạch, chương trình, đề án, công điện, các bản sao y văn bản, báo cáo, văn bản dự thảo xin ý kiến, lịch công tác”, Cục chứng thực số và Bảo mật thông tin – Ban Cơ yếu Chính phủ nhận định.

Cục chứng thực số và Bảo mật thông tin – Ban Cơ yếu Chính phủ cũng cho hay, qua khảo sát cho thấy các cơ quan nhà nước chủ yếu xử lý và phát hành văn bản điện tử định dạng PDF, chữ ký số được hiển thị trên tài liệu PDF. Tuy nhiên, quy trình ký, kiểm tra chữ ký, vị trí ký số trên tài liệu PDF hiện còn chưa thống nhất. “Vì vậy, cần phải có các văn bản hướng dẫn để triển khai chữ ký số cho văn bản điện tử”, đại diện Cục chứng thực số và Bảo mật thông tin chia sẻ.

Đề cập đến những khó khăn, tồn tại trong việc triển khai chữ ký số cho văn bản điện tử của CQNN, đại diện Cục chứng thực số và Bảo mật thông tin - Ban Cơ yếu Chính phủ nêu: quy trình xử lý, ký số văn bản điện tử mô phỏng hoàn toàn quy trình xử lý văn bản giấy, quy trình xử lý rất phức tạp ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai văn bản điện tử và chữ ký số; các văn bản hướng dẫn còn thiếu các hướng dẫn về xử lý tích hợp dấu thời gian tại thời điểm ký – đây là mốc thời gian quan trọng để xác định hiệu lực của chứng thư số và chữ ký số;

Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò của chữ ký số tại một số CQNN còn hạn chế dẫn đến việc ứng dụng và triển khai chữ ký số có nơi chưa đạt hiệu quả cao; thói quen làm việc chủ yếu dựa trên văn bản giấy vẫn còn phổ biến trong hoạt động của các CQNN, việc thay đổi phương thức làm việc truyền thống dựa trên văn bản giấy tờ sang phương thức làm việc qua mạng sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số chuyển biến chậm…

Trên cơ sở đánh giá hiện trạng triển khai chữ ký số cho văn bản điện tử của CQNN, Cục chứng thực số và Bảo mật thông tin - Ban Cơ yếu Chính phủ cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần sớm xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định 28 ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần chú trọng đến việc triển khai ứng dụng điều hành nền tảng di động và chữ ký số trên thiết bị di động…

Cùng với đó, các CQNN cũng cần phối hợp chặt chẽ với Ban Cơ yếu Chính phủ để thống nhất nội dung, phương án triển khai, ứng dụng chứng thư số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp trong các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch ứng dụng CNTT của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện môi trường pháp lý tạo điều kiện trao đổi, xử lý và lưu trữ văn bản điện tử có chữ ký số.