Từ khi học cấp 2, Nguyễn Thị Thương, Nghệ An luôn là học sinh xuất sắc của trường, năm nào cũng đạt học sinh giỏi cấp tỉnh.

Khi bước vào cấp 3, Thương một mình khăn gói ra thành phố Vinh thuê trọ, theo học trường chuyên Phan Bội Châu. Do cách nhà hơn 100km nên mỗi năm, Thương chỉ về nhà ít bữa vào dịp hè và Tết Nguyên đán.

Sợ cảm giác bị tụt lại phía sau, Thương lao đầu vào học cả ngày lẫn đêm, rất ít giao lưu, đi chơi với bạn bè. Thỉnh thoảng bố mẹ ở quê lên thăm con gái, có hỏi han nhưng Thương thường xuyên cáu gắt: “Bố mẹ nói ít thôi để cho con học”.

Mỗi đêm, Thương chỉ ngủ 3-4 tiếng. Thậm chí Thương tự dùng dây xích chó xích chân mình vào bàn để tránh ngủ gật. 

{keywords}
Học hành căng thẳng liên tiếp khiến Thương bị stress kéo dài dẫn đến trầm cảm. Ảnh: M.Anh


Tuy nhiên năm đầu, Thương thi vào trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng không đậu. 1 năm kế tiếp, Thương lại vùi đầu vào học cả ngày lẫn đêm, không thiết tha chuyện trò với ai, sau đó đỗ khoa luật Kinh doanh quốc tế, ĐH Ngoại thương với số điểm 26,5.

Ra Hà Nội, Thương tiếp tục thuê trọ sống 1 mình. Mẹ Thương chia sẻ, cứ ngỡ sau khi đỗ ĐH, con gái sẽ hết áp lực học hành, vui vẻ, hoạt bát trở lại nhưng mỗi khi về nhà, Thương vẫn lầm lì, hay cáu gắt và chỉ thích ngủ. Bố mẹ nghĩ con thiếu ngủ nên để cho con nghỉ ngơi, không mảy may để ý.

“Đến năm thứ 2 ĐH, thầy giáo gọi về cho gia đình thông báo con gái rất hay mệt, thường xuyên phải vào phòng y tế của trường để ngủ, không thiết tha học hành, xa lánh bạn bè, hỏi không nói. Sau đó tôi tức tốc ra Hà Nội đưa con đi khám”, mẹ Thương kể lại.

Ra đến nơi, chị phát hiện con gái bỏ ăn uống để ngủ, không muốn nhúc nhích làm bất cứ việc gì, lúc nào cũng thấy tự ti, mặc cảm và hay cáu giận vô cớ.

Khi đi khám tại BV Bạch Mai, bác sĩ chẩn đoán Thương bị trầm cảm do stress kéo dài, không được phát hiện sớm. Cô gái trẻ thường xuyên có ảo thanh nên không tập trung làm được bất cứ việc gì. Thậm chí nhiều lần Thương đã nghĩ đến cái chết để giải thoát vì thấy mình quá vô dụng, cuộc sống nhạt nhẽo.

Không còn cách nào khác, bố mẹ Thương quyết định xin cho con gái nghỉ học để tập trung điều trị. Sau khi điều trị tại BV Bạch Mai 1 tháng, gia đình đưa Thương xuống khoa Cấp tính nữ, BV Tâm thần TƯ 1 để điều trị tiếp.

PGS.TS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc BV Tâm thần TƯ 1 cho biết, nhờ uống thuốc đều đặn kết hợp liệu pháp tâm lý, sau hơn nửa năm, tình trạng của Thương đã ổn định và quay lại trường học tiếp cho đến khi tốt nghiệp ĐH, uống thuốc duy trì.

Ra trường, Thương về TP. Vinh làm việc tại một công ty văn phòng phẩm và kết hôn năm 2017 khi 24 tuổi. Tuy nhiên từ khi mang bầu, Thương ngừng uống thuốc nên bệnh tái phát trở lại và ngày càng nặng thêm.

Đến đầu năm 2019 đến nay, khi con trai được 5 tháng, gia đình lại phải đưa Thương quay trở lại BV Tâm thần TƯ để điều trị. Lúc này, Thương nhớ nhớ, quên quên, mẹ cô phải thường xuyên túc trực ở bên để chăm con gái.

PGS Phương cho biết, những trường hợp như của Thương, ngoài điều trị bằng thuốc, hỗ trợ từ bác sĩ, rất cần sự quan tâm, động viên của người thân để người bệnh sớm hồi phục, hoà nhập cuộc sống.

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Minh Anh

Ôm điện thoại cả ngày, mẹ trẻ gầy trơ xương bỏ cả con

Ôm điện thoại cả ngày, mẹ trẻ gầy trơ xương bỏ cả con

Sau sinh, T. đóng kín cửa, ôm điện thoại cả ngày, không màng ngó ngàng đến con. Sau hơn 1 tháng, cô gái trẻ gầy trơ xương.