Hội nghị Đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế APEC (lần thứ 2) và “Đối thoại công - tư về phụ nữ và kinh tế” APEC (PPDWE) là hai sự kiện quan trọng của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017.

Tăng cường hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ

Tại Hội nghị Đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế APEC (lần thứ 2) các đại biểu của 21 nền kinh tế APEC đã nhất trí cao, mục đích nhằm đảm bảo bình đẳng giới vẫn phải là vấn đề xuyên xuốt và cần phải được thực hiện trong mọi lĩnh vực, các diễn đàn của APEC nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ, thúc đẩy tiềm năng kinh tế của phụ nữ trong bối cảnh thế giới đang thay đổi.

Đánh giá về các kết quả chính, nổi bật của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan, Trưởng đoàn Việt Nam cho biết đông đảo lãnh đạo đến từ các nền kinh tế thành viên APEC thể hiện sự quan tâm cũng như các cam kết kỳ vọng của cộng đồng quốc tế với diễn đàn phụ nữ và kinh tế, đặc biệt là cam kết được đưa ra cũng như các chương trình hành động trong thời gian tới để các nền kinh tế trong APEC triển khai đối với các hoạt động. Sự ủng hộ và cam kết của các nền kinh tế đã, đang và sẽ thúc đẩy cho việc triển khai thực hiện quyền của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trong kinh doanh, phụ nữ với kinh tế trong thời gian tới được tốt hơn.

{keywords}
Phát biểu trước đại diện của 21 nền kinh tế APEC tham dự hội thảo, bà Hồng Lan nhấn mạnh, việc xây dựng và thực hiện các chính sách, các chương trình có trách nhiệm giới trong APEC cần phải được thực hiện để tăng cường mạnh mẽ hơn nữa việc cộng tác và phối hợp lồng ghép vấn đề bình đẳng giới giữa các diễn đàn, trong mỗi diễn đàn hướng tới vì sự tiến bộ về kinh tế xã hội của phụ nữ và bình đẳng giới của khu vực.

Vì vậy, Việt Nam đã xây dựng chủ đề về “Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi” cùng với 3 ưu tiên: Thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng kinh tế bao trùm; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; Thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực của Diễn đàn năm nay đã và đang sẽ đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến đóng góp cho Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017 nói riêng và APEC Việt Nam 2017 nói chung.

Thật vui vì sáng kiến của Việt Nam về "Hướng dẫn lồng ghép giới trong APEC" đã được các đại biểu thông qua và nhất trí đưa vào triển khai thực hiện. Các thành viên dự Diễn đàn cùng khẳng định đây là công cụ quan trọng để thực hiện các chương trình và chính sách bình đẳng giới tại APEC.

“Đối thoại công - tư về phụ nữ và kinh tế” APEC

Ghi nhận những thành tựu ấn tượng của phụ nữ và kinh tế, trong một diễn biến khác, các đại biểu của 21 nền kinh tế tham dự “đối thoại công - tư về phụ nữ và kinh tế” APEC (PPDWE) đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chung quanh các vấn đề: tăng cường sự hội nhập về kinh tế, tài chính và xã hội của phụ nữ; doanh nhân nữ trong thị trường toàn cầu đang thay đổi; thúc đẩy sự phát triển của doanh nhân nữ trong kỷ nguyên số; xây dựng tầm nhìn về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế trong khu vực APEC và trên thế giới.

{keywords}
Là người có nhiều hoạt động gắn bó với các doanh nhân, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã chia sẻ về vai trò, vị trí của phụ nữ Việt Nam trong nền kinh tế. Theo quan sát của ông Lộc, tiềm năng của phụ nữ Việt Nam cũng như của phụ nữ khu vực APEC còn rất lớn. Và ông cho rằng, nền kinh tế thế giới đang trong quá trình tái cấu trúc trong kỷ nguyên số, cần phải có chính sách thông minh hơn, chính sách tốt hơn dành cho phụ nữ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ sẽ là động cơ chính, là chủ nhân của nền kinh tế. Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh phụ nữ là đối tác kinh doanh tin cậy và đề xuất trong thời gian tới, APEC cần xây dựng mạng lưới doanh nhân nữ vững mạnh và tổ chức Đối thoại công – tư thường niên về Phụ nữ và Kinh tế.

Có mặt tại sự kiện này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã nêu 4 vấn đề quan trọng: Thứ nhất, tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ sẽ tạo ra những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Thứ hai, yêu cầu cấp thiết là cần tăng cường sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đối với phụ nữ. Thứ ba, trong bối cảnh thị trường toàn cầu và thế giới về việc làm đang có nhiều biến động, tạo ra những thách thức không nhỏ đối với các nữ doanh nhân và lực lượng lao động nữ, cần tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy nữ doanh nhân tiếp cận với vốn, tài sản, kinh nghiệm và thị trường toàn cầu, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Thứ tư, đã đến lúc cần xác định những định hướng dài hạn trong hợp tác APEC về phụ nữ, đóng góp vào các nỗ lực đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu của APEC (Bô-go trong APEC) và quá trình xây dựng các tầm nhìn mới của APEC sau năm 2020".

Vì trong thực tế, chỉ có tự thân phụ nữ mới có thể quyết định mình cần phải làm những gì để đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đang thay đổi. Và APEC 2017 sẽ truyền cảm hứng để những người phụ nữ tiếp tục khẳng định quyền năng kinh tế trong sự phát triển chung của khu vực và thế giới.

Bích Vân