Các Bộ trưởng và trưởng đoàn phụ trách về du lịch của các nền kinh tế thành viên APEC sẽ báo cáo các nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC vào tháng 11 tới đây về tầm quan trọng của việc thúc đẩy du lịch bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương.

Cơ hội và thách thức

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, năm 2016, ngành du lịch đã đóng góp 1.300 tỷ USD cho GDP của khu vực APEC, tạo 67 triệu việc làm trực tiếp và đóng góp 6,1% vào xuất khẩu của khu vực. Tuy nhiên, sự góp mặt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) được dự báo sẽ tạo nên những thay đổi lớn đối với thế giới nói chung, ngành du lịch nói riêng. Vấn đề cấp bách hiện nay là làm thế nào để phát triển du lịch bền vững về kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường. Đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng, cục diện thế giới đang thay đổi mạnh mẽ và APEC đang xây dựng tầm nhìn sau năm 2020.

{keywords}

Thực tế này đặt ra yêu cầu đối với các nền kinh tế APEC là cần hợp tác nhằm bảo đảm các lợi ích kinh tế, xã hội cho tất cả mọi người dân về việc làm ổn định, cơ hội thu nhập, góp phần giảm nghèo, gìn giữ các giá trị văn hóa và tăng cường giao lưu, hiểu biết văn hóa lẫn nhau cũng như bảo vệ và quản lý các nguồn tài nguyên môi trường và đa dạng sinh học.

{keywords}

Các đại biểu đã đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam khi tổ chức Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững. Mục tiêu để phát triển nền kinh tế của 21 thành viên APEC đều hướng tới việc cải thiện mức sống của người dân địa phương. Tại cuộc đối thoại này, đại biểu đã thảo luận cởi mở và say sưa chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch bền vững, trong đó chú trọng các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tiêu chuẩn và chứng nhận đối với các cơ sở dịch vụ du lịch, đảm bảo phát triển bao trùm và thúc đẩy kết nối khu vực và địa phương, tăng cường quan hệ đối tác công - tư trong phát triển du lịch bền vững....

Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã dẫn câu chuyện thực tế của Việt Nam. Bộ trưởng chia sẻ, du lịch Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đón 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đóng góp hơn 10% GDP vào năm 2020. Tuy nhiên, ngành này đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong quá trình phát triển để đảm bảo phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC cho rằng, để phát triển du lịch bền vững thì vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất lớn. Thêm vào đó, các nền kinh tế cần tập trung vào các lợi thế địa phương đồng thời chú trọng việc bảo vệ môi trường hơn nữa.

“Thúc đẩy du lịch bền vững châu Á-Thái Bình Dương bao trùm và kết nối”

Cùng chung quan điểm, hợp tác quốc tế nhằm ứng phó với những thách thức chung là một yêu cầu tất yếu, cụ thể đối với ngành du lịch, các Bộ trưởng và trưởng đoàn phụ trách về du lịch của các nền kinh tế thành viên APEC đã thông qua Tuyên bố cao cấp về du lịch bền vững với chủ đề “Thúc đẩy du lịch bền vững châu Á - Thái Bình Dương bao trùm và kết nối”. Họ nhất trí sẽ báo cáo các nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC vào tháng 11 tới đây về tầm quan trọng của việc thúc đẩy du lịch bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương.

Theo quan sát của báo giới, đây là tuyên bố có ý nghĩa rất quan trọng, chuyển tải thông điệp ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc và hành động nhằm thúc đẩy du lịch bền vững, bao gồm: Coi phát triển du lịch bền vững là một quá trình liên tục cần có sự theo dõi, đánh giá tác động một cách thường xuyên; đẩy mạnh các chính sách phát triển du lịch nội địa và khu vực nhằm hỗ trợ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc; khuyến khích các đóng góp kinh tế dài hạn, khả thi, đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan; tôn trọng tính nguyên bản về văn hóa - xã hội của cộng đồng địa phương; sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên môi trường tự nhiên; khuyến khích nhu cầu của người tiêu dùng đối với các hoạt động và sản phẩm du lịch bền vững; đẩy mạnh đối tác công - tư với tư cách là biện pháp chính để phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch bền vững; tạo môi trường cạnh tranh, hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến du lịch, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiến hành thêm các nghiên cứu để các nền kinh tế APEC có thể thích ứng và tận dụng những thay đổi do các công nghệ mới tiên tiến đem lại.

Hoàng Long