Gần đây Apple đã phải gỡ bỏ một số ứng dụng giả lập mạng riêng ảo trên App Store Trung Quốc, khiến việc người dùng truy cập nội dung bị kiểm duyệt vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Không riêng gì Apple, Amazon cũng đã phải chiều lòng các yêu cầu về kiểm duyệt của Trung Quốc - tờ New York Times cho biết dịch vụ đám mây của nước này đã hướng dẫn khách hàng trong nước dừng sử dụng phần mềm để né tránh các công cụ kiểm duyệt của Trung Quốc. Dù việc những gã khổng lồ công nghệ Mỹ chấp thuận các yêu cầu từ phía Trung Quốc đã gây nên một làn sóng phản ứng dữ dội, với phần đông cộng đồng theo dõi các công ty công nghệ Mỹ tại Trung Quốc thì đây không phải điều quá ngạc nhiên. Apple và Amazon đã từ bỏ các mà họ gọi là “giá trị phương Tây” để có thể được tiếp tục làm ăn trên thị trường đất nước tỷ đân.

Nhập gia tùy tục, các ông lớn công nghệ Mỹ buộc phải chơi theo luật Trung Quốc, và các công ty công nghệ Mỹ đã có một lịch sử tuân thủ chặt chẽ kiểm duyệt nội dung của đất nước này. Mỗi lần xuất hiện thỏa hiệp là một lần dấy lên làn sóng phản ứng dữ dội nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn sau đâu lại vào đó.

Thậm chí với Apple, đây không phải lần đầu tiên công ty buộc phải tuân thủ theo luật kiểm duyệt của Trung Quốc. Hồi đầu năm nay, nhà Táo đã phải gỡ ứng dụng đọc báo New York Times khỏi kho ứng dụng Trung Quốc theo yêu cầu của các nhà chức trách nước này. Trong buổi công bố doanh thu hôm thứ Ba vừa rồi, CEO Apple Tim Cook đã nói trong bài phát biểu trả lời về vấn đề các ứng dụng VPN đột nhiên biến mất trên App Store: “Chúng tôi hiển nhiên không muốn phải gỡ ứng dụng của mình, nhưng chúng tôi tuân thủ toàn vẹn luật pháp trên đất nước cho phép chúng tôi hoạt động”.

Danh sách các công ty Hoa Kỳ buộc phải hỗ trợ Trung Quốc trong kiểm duyệt nội dung không hề dừng lại ở đó.

Năm 2005, Yahoo đã cung cấp thông tin giúp chính quyền Trung Quốc buộc tội một nhà báo tên Shi Tao. Shi đã đăng một bài nặc danh lên website thuộc quản lý của Mỹ. Theo chính quyền, bài đăng chứa nhiều bí mật quốc gia và Shi đã bị kết án 10 năm tù. Cũng trong năm đó, Microsoft đã phải dừng hoạt động một blog vận động tự do ngôn luận Trung Quốc. Một năm sau, Google đồng ý kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm của mình trên đất Trung Quốc.

Năm 2006, cả Yahoo, Microsoft, Google và Cisco đã phải đối mặt với một phiên điều trần trước Quốc hội về sự hợp tác của mình với Trung Quốc. Đại diện Tom Lantos đã nói tại thời điểm: “Tôi không hiểu tại sao các vị lãnh đạo doanh nghiệp của các bạn vẫn ngủ ngon mỗi tối”.

Sự thật là dù có ngủ ngon hay không, các vị lãnh đạo vẫn phải lựa chọn phương án “chiều khách” để có thể đưa dịch vụ của mình tiếp cận tới hàng trăm triệu người sử dụng internet có tiềm năng trở thành khách hàng tại Trung Quốc. Năm 2014, LinkedIn ra mắt một phiên bản riêng dành cho thị trường Trung Quốc với mục đích hạn chế tự do bày tỏ. Những người dùng đăng tải nội dung nhạy cảm liên quan đến chính trị sẽ nhận được thông báo rằng nội dung của mình không hiển thị với các thành viên LinkedIn tại Trung Quốc.

Chơi theo luật của Trung Quốc cũng không lấy gì làm đảm bảo cho thành công của các doanh nghiệp. Trung Quốc là một thị trường rộng lớn và tiềm năng, nhưng đồng thời cũng là một thị trường khó thỏa mãn, ngay cả khi các gã khổng lồ công nghệ sẵn sàng tuân thủ luật kiểm duyệt. Derek Shen, cựu giám đốc LinkedIn Trung Quốc, gần đây đã xin từ chức sau khi công ty đạt doanh thu kém tại nước này. Nguyên nhân bao gồm bở lỡ khách hàng tiềm năng và thất bại trong việc thu hút khách hàng mới. Năm 2010 Google đã tuyên bố thất bại trong việc bán buôn ở đại lục này, đề cập tới các vấn đề về kiểm duyệt nội dung và an ninh mạng.

Luật kiểm duyệt không phải trở ngại duy nhất cho các nền tảng công nghệ đa quốc gia từ Mỹ: họ còn phải đối đầu với các công ty trong nước cung cấp dịch vụ tương tự. Mảng di động của Apple đã phải vật lộn với một tá các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc khác điển hình là Huawei và Oppo. Uber đã thất bại trước dịch vụ bắt xe nội địa Trung Quốc tên Didi Chuxing trước khi buộc phải bán lại cho đối thủ của mình.

Ngay cả trong việc sử dụng Internet, người sử dụng Trung Quốc không phải lúc nào cũng sẵn sàng tìm mọi cách vượt qua “Vạn Lý Tường Lửa” để truy cập vào các trang nước ngoài. Rất nhiều người dùng Trung Quốc tỏ ra hài lòng với dịch vụ nội địa, có thể kể đến ví dụ về ứng dụng nhắn tin WeChat.

Dù vậy, các công ty Mỹ vẫn cố gắng đủ mọi cách để thâm nhập vào thị trường đại lục này, mặc cho phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc đến đâu đi chăng nữa.

Facebook - vốn bị cấm ở Trung Quốc - đã để mắt đến đại lục này từ lâu. Người ta cho rằng một phiên bản ứng dụng Facebook được làm ra dành riêng cho thị trường Trung Quốc khó có thể trở thành hiện thực, đặc biệt là khi Trung Quốc đã tạm thời chặn dịch vụ nhắn tin WhatsApp thuộc sở hữu của hãng này. Thế nhưng CEO Mark Zuckerberg có vẻ như lại sẵn sàng “chơi tới bến” khi mà gần đây có nhiều báo cáo Facebook đang làm việc với một công cụ kiểm duyệt nhằm nhận được chấp thuận từ Trung Quốc. Lẽ thông thường, sẽ không đời nào Facebook chịu mạo hiểm sự phản đối kịch liệt từ dư luận để tự kiểm duyệt bản thân tại Trung Quốc. Nhưng liệu có đúng vậy không? Mọi công ty khác đều đã chịu nhún nhường trước Trung Quốc, và có lẽ Facebook cũng sẽ làm vậy.

Apple cũng vậy, công ty công nghệ của Cupertino có thể sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn tại thị trường Trung Quốc ngoài vấn đề kiểm duyệt nội dung nói riêng. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng viễn cảnh thế giới số trong tương lai của Trung Quốc sẽ trở nên ảm đạm. Dù có kiểm duyệt đến mức nào, thông tin vẫn sẽ tìm được đường đến với người dùng mạng, và cứ mỗi thuật ngữ nhạy cảm bị chặn, sẽ lại xuất hiện thêm một từ khác thay thế cho nó.