"Nếu còn hoạt động tốt, chúng tôi sẽ giúp bạn đưa nó đến tay chủ sở hữu mới", Apple hứa hẹn trên trang web quảng bá chương trình "đổi mới lên đời". "Nếu không, chúng tôi sẽ gửi nó đến các đối tác tái chế của mình để chúng tôi có thể tiết kiệm nhiều vật liệu quý giá và ít khai thác từ Trái Đất hơn."
Trong nhiều năm, Apple đã sử dụng những lời lẽ như vậy để thuyết phục người dùng rằng họ là một công ty xanh và bền vững hơn các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, rất nhiều người nghi ngờ về liệu Táo khuyết có thực sự muốn bảo vệ môi trường như vậy hay không.
Đầu năm nay, Apple đã đệ đơn kiện GEEP Canada – cựu đối tác tái chế mà nhà Táo thuê để tiêu ưu hủy và tái chế những thiết bị cũ. Apple cho biết, thay vì thực hiện công việc theo hợp đồng, các nhân viên của GEEP đã phát hiện nhiều thiết bị trong số này hoàn toàn vẫn có thể sử dụng được, nên đã bán lại ít nhất 100.000 chiếc. Sau khi thực hiện một cuộc điều tra, Apple phát hiện, nhiều chiếc điện thoại bị mất đang được sử dụng ở Trung Quốc, có lẽ vẫn đang ở "tình trạng tốt".
Sự tức giận của Apple đối với GEEP rõ ràng có thể hiểu được, nếu những cáo buộc đó là sự thật. Tuy nhiên, những người dùng tin tưởng Apple nhằm quản lý sản phẩm đã qua sử dụng của họ theo cách thân thiện với môi trường có thể tức giận ngược lại Apple. Khi thông tin chi tiết vụ việc này được đưa ra ánh sáng, rất nhiều người dùng công nghệ đã bày tỏ sự phản đối. Nó chứng tỏ một điều rằng Apple đã nhiều lần không thực hiện đúng lời hứa cao cả của mình về việc quản lý những thiết bị cụ.
Trong một lần trao đổi với Bloomberg, nhà Táo cho biết: "Sau quá trình kiểm tra nghiêm ngặt, một số sản phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cũng như chất lượng hàng đầu của Apple và được Apple tái chế hoặc gửi đến những đơn vị tái chế chuyên nghiệp. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với những đối tác của mình nhằm thu hồi các vật liệu quan trọng có thể tận dụng cho các sản phẩm trong tương lai. Những sản phẩm được gửi đi tái chế không còn xứng để bán cho người dùng. Và nếu được xây dựng lại với những thành phần giả mạo, chúng có thể gây ra các vấn đề an toàn cực kỳ nghiêm trọng, chẳng hạn như lỗi về điện hoặc pin." Rõ ràng, đây là "một mũi trên trúng hai đích": vừa tránh người dùng tìm đến những thiết bị cũ không mong muốn, vừa giúp gầy dựng tiếng vang "công ty vì môi trường" của mình.
Tạo ra một chiếc smartphone mới không phải lúc nào cũng tốt. Theo Apple, 79% lượng khí thải carbon liên quan đến tổng tuổi thọ của iPhone 11 được thải ra trong giai đoạn sản xuất. Với danh tiếng của mình, Apple đã cố gắng giảm thiểu những tác hại này. Ngoài những thứ khác, nhà Táo hiện đang tái sử dụng lại thiếc cũng như những nguyên tố đất hiếm. Đây rõ ràng là một cải thiện lớn so với sử dụng những vật liệu nguyên sinh. Hơn nữa, chương trình "đổi máy lên đời" của công ty cũng mang đến một lượng điện thoại đã qua sử dụng ổn định, có thể được tân trạng lại và bán ra. Trong báo cáo môi trường gần đây nhất, Apple cho biết, họ đã tân trang lại 11,1 triệu thiết bị cho người dùng mới vào năm 2019 và lưu ý rằng mỗi thiết bị "thể hiện việc sử dụng thông minh hơn và hiệu quả hơn với môi trường cho các nguồn tài nguyên và vật liệu mà chúng tôi phụ thuộc vào nhằm phát triển sản phẩm của mình".
Dẫu vậy, cam kết đáng được tuyên dương đó từ lâu đã tạo ra sự căng thẳng đối với Apple trong việc bán ra những thiết bị mới của mình. Trong năm 2019, CEO Tim Cook đổ lỗi rằng việc giảm giá thay thế pin đã khiến doanh số iPhone mới thấp hơn so với mong đợi. Thế nhưng, công ty lại âm thầm thực hiện các hành động nhằm hạn chế số lượng thiết bị cũ có thể cạnh tranh với những mẫu mới. Chẳng hạn, công ty từ chối cung cấp tài liệu sửa chữa cơ bản cho người dùng, hoặc không bán những linh kiện thay thế cho khách lẻ cũng như các cửa hàng sửa chữa không có giấy phép. Họ cũng chống lại mạnh mẽ các luật có thể đi ngược lại hành động của mình.
Theo Bloomberg, nhiều giám đốc điều hành trong ngành công nghiệp tái chế đã tỏ ra thất vọng trước yêu cầu tái chế mọi thiết bị, kể cả những thiết bị hoàn toàn có thể tái sử dụng, từ Apple. Thế nhưng, cũng chẳng ai trong số họ ủng hộ việc phá vỡ hợp đồng và chuyển các thiết bị đó đến thị trường tiêu thụ đồ cũ. Dẫu vậy, không quá ngạc nhiên khi các nhân viên tại GEEP lại thực hiện điều đó. Họ thấy được kho báu từ kho rác của người khác và đó rõ ràng là một lợi ích cho việc tái chế, cả lợi nhuận lẫn môi trường.
Vậy làm thế nào để Apple quyết định thiết bị nào nên được tái sử dụng, thiết bị nào nên được đưa vào tái chế? Một phát ngôn viên của Apple cho biết, chúng sẽ phải trải qua "quá trình kiểm tra nghiêm ngặt". Bà cũng cảnh báo, những thiết bị được tân trang bằng các linh kiện không phải của Apple có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ về độ an toàn. Thế nhưng, có rất ít bằng chứng công khai chứng minh cho tuyên bố đó. Trong năm 2018, 176 triệu chiếc smartphone qua sử dụng đã được bán ra trên toàn cầu, tuy nhiên, các bộ phận gặp lỗi không phải là lý do hàng đầu gây ra thương tích liên quan đến smartphone.
Một tin tốt cho những người nâng cấp lên iPhone 12: họ sẽ không phải phụ thuộc vào Apple nhằm đảm bảo các thiết bị của họ có được tuổi thọ lâu dài. Có hàng trăm doanh nghiệp sẽ mua lại iPhone cũ nhằm tân trang cũng như bán lại, và họ sẽ trả rất hậu hĩnh. Rất ít công ty trong số này đưa ra những tuyên bố về tính bền vững sâu rộng như Apple. Và không giống như Apple, họ sẽ chẳng cần phải lo lắng rằng các sản phẩm đã qua sử dụng có thể cạnh tranh với những sản phẩm mới của mình.
(Theo VnReview, Bloomberg)
Ai cũng nghĩ iPhone là điện thoại đầu tiên của Apple nhưng thực tế thì không
Motorola ROKR E1 là chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới được trang bị iTunes. Nó được ra mắt với hợp tác của Apple.