Mùa hè năm ngoái, Apple CEO, Tim Cook đã tuyên bố tầm nhìn của ông đối với công ty trong vòng 1.000 năm nữa. Thế nhưng, kế hoạch ngàn năm của Apple có vẻ gặp nhiều khó khăn vì đối thủ công ty ngày càng tăng lên và xuất hiện những điểm yếu có thể đe dọa đến đế chế của Apple.

Các fan của Apple lo ngại rằng công ty đang đánh mất những điều quan trọng nhất, lạc lối với những phần cứng và sản phẩm mới mà quên không đánh bóng hay đẩy mạnh các sản phẩm đã trở thành thương hiệu. Và sự thiếu kiên nhẫn với những chiếc iPhone mới, dự án “Apple Car” bí hiểm hay thậm chí cả chiếc kính thông minh của Apple càng làm cho các fan sôi sục hơn.

Mới chỉ nắm "ngai vương" tại Apple được vài năm, Tim Cook cần nhiều thời gian hơn nữa để chứng tỏ mình. Nhưng khi mọi người cảm thấy lo sợ rằng Apple đang đánh mất những điều quan trọng nhất thì hãy thử lùi lại, nhìn vào những gì mà Apple đã làm được. Có thể những điều đó chẳng đủ để giúp công ty tồn tại trong một thiên niên kỷ nữa, nhưng là đủ để lạc quan rằng Apple không hề mù mờ về tương lai

Trẻ em là tương lai

Ở giai đoạn ngắn, Apple cố gắng giảm giá sản phẩm nhằm hướng tới nhiều đối tượng người dùng lớn hơn. Chỉ mới tuần này, Apple đã tung ra chiếc iPad giá rẻ, một model iPhone cập nhật không quá đắt, giúp nhiều người có cơ hội sở hữu sản phẩm mang logo "táo khuyết". Điều này phản ánh khát vọng của công ty muốn cạnh tranh với Android về giá cả chứ không chỉ tính năng. Chiếc iPad giá rẻ đó phù hợp cho nhiều đối tượng khách hàng, mở đường cho Apple dấn thân vào thị trường giáo dục đầy tiềm năng và ổn định.

Nhân tiện nói về giáo dục, nếu bạn còn nhớ thì Cook đã rất nhiều lần nói rằng ông muốn Swift, một ngôn ngữ lập trình do Apple phát triển, trở thành hướng đi chính giúp trẻ em làm quen với lập trình. Bởi theo lý thuyết thì Swift có thể được dùng để phát triển phần mềm cho tất cả các thiết bị điện tử, nhưng đúng hơn mà nói thì Swift chạy tốt nhất trên iPhone và Mac.

Tóm lại, kế hoạch ngắn hạn của Apple là rất rõ ràng: Khiến càng nhiều người sử dụng công nghệ của Apple càng tốt, tập trung vào người dùng ngay từ khi họ còn trẻ và khiến họ không thể tách rời.

Ngoài iPhone ra...

Điểm quan trọng nhất khiến chúng ta nhớ về Apple đó là: Ưu tiên hàng đầu của công ty là bán được càng nhiều iPhone càng tốt. Tất cả mọi thứ từ iMessage tới AirPods đều được thiết kế để bạn dùng với iPhone và giữ chân bạn không bỏ sang Android.

Điều này không thay đổi, ít nhất là trong tương lai gần. Lý do đơn giản là vì ngoại trừ những sản phẩm thành công sớm như Amazon Echo, smartphone vẫn là sản phẩm đem lại sự cân bằng tốt nhất giữa tính cơ động và sức mạnh.

Mặc dù vậy, vị thế của smartphone chẳng tồn tại mãi mãi. Nhiều người, trong đó có cả Tim Cook, đều tin rằng bước tiếp theo sẽ là thực tế tăng cường (AR). Thậm chí, Microsoft còn cho rằng AR sẽ khiến smartphone nhanh chóng trở nên lỗi thời. Tại sao bạn cần mang cả cái điện thoại bên mình khi bạn có thể chiếu mọi hình ảnh vào đôi mắt?

Các công ty như Microsoft, Magic Leap và Google đều đang cố gắng tận dụng lợi thế của kẻ đi trước với hy vọng có thể chinh phạt thị trường trước khi Apple kịp bắt đầu. Điều này đã đẩy Apple vào thế phòng thủ. Bên cạnh những thiết bị Android thì còn có cả một nguy cơ khổng lồ khác đối với sự tồn tại của iPhone, sản phẩm mà toàn bộ giá trị lớn lao của Apple đều xoay quanh. Thế nên các fan của Apple cũng như các cổ đông cần cảm ơn Tim Cook vì đã có những bước đi hết sức nhanh nhạy.

Nền tảng và đế chế

Apple đã rất âm thầm lặng lẽ xây dựng vai trò của mình trong tương lai.

Nếu lợi thế của thực tế tăng cường là bạn không phải nhìn vào điện thoại để lấy thông tin thì Apple cũng chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai đó. Với Apple Watch, mọi thứ bắt đầu từ chiếc cổ tay của bạn và với AirPod, trợ lý ảo Siri sẵn sàng hỗ trợ bạn trực tiếp từ đôi tai.

Nó không phải thứ hào nhoáng như những hình nổi ba chiều hologram mà Magic Leap và Microsoft đã và đang làm để cố gắng đem những thiết bị AR tới tay nhiều khách hàng hơn. Thứ Apple tập trung vào là một công nghệ sẵn sàng để ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Cụ thể, Apple vừa tuyên bố công ty đang phát triển một loại kính thông minh, tương tự như Google Glass, nhưng sản phẩm này sẽ bù đắp được những điểm thiếu sót của Google Glass.

Điều quan trọng hơn cả là mọi sản phẩm của Apple đều đồng bộ tốt nhất với iPhone. iPhone chính là chiếc cầu nối những điều cũ với điều mới, đem đến cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm quen thuộc khi họ thử một sản phẩm mới, nhờ đó việc thử sản phẩm mới diễn ra nhẹ nhàng, êm đẹp hơn nếu Apple chuyển từ một sản phẩm qua sản phẩm khác.

Và khi Apple tung ra chiếc loa thông minh tương tự như Amazon Echo kèm theo trợ lý ảo Siri, dự kiến sản phẩm này cũng sẽ cần kết nối với một chiếc iPhone, giống như con chip Bluetooth W1 “cây nhà lá vườn” của công ty vậy.

Có lẽ một ngày nào đó, Apple sẽ đi xa hơn iPhone, không chỉ dựa vào duy nhất một sản phẩm nào để trở thành thiết bị trung tâm kết nối thế giới nữa. Vào lúc đó, công ty có thể chuyển sang iCloud hay một dịch vụ Apple nào khác, tạo nên sự kết nối và giúp các sản phẩm Apple thế hệ mới được đồng bộ mà không cần đến iPhone.

Đế chế ngàn năm

Chiến lược của Apple luôn luôn là như vậy. Công ty hiểu rằng chẳng có sản phẩm nào mãi mãi và đó là bí mật của tầm nhìn dài hạn của công ty. Thậm chí kể cả khi xuất hiện những sản phẩm và công nghệ có khả năng đặt dấu chấm hết cho triều đại iPhone thì Apple vẫn còn cả một nền tảng tinh tế và vững chắc đủ để giữ chân người dùng ở lại hệ sinh thái của hãng thêm nhiều năm nữa. Nếu bạn có ý định xây dựng một công ty ngàn năm, những gì Apple làm được có thể được coi là một khởi đầu khá tốt.